Đất nền hạ nhiệt

Không còn ồn ào xô bồ như cách đây vài tháng, không khí mồi chài, mua bán đất nền ở khu vực ngoại thành TPHCM đã trở lại yên ắng. 
Những “điểm nóng” như Củ Chi, quận 9 rất ít khách hàng đến tìm hiểu mua đất vườn, đất nông nghiệp; chỉ có những dự án đã đầu tư hạ tầng bài bản là thu hút được khách hàng.
Vắng vẻ khách hàng
Các xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Bình Mỹ, Trung An (huyện Củ Chi) cách đây mấy tháng là tâm điểm của giới đầu tư, đầu cơ đất vườn, đất nông nghiệp khu vực Tây Bắc TP. Vào thời điểm đó, trên các tuyến đường ven xã, đi đâu cũng gặp giới cò đất chạy theo mồi chài: “Anh mua đất vườn hay đất thổ?”. Những người từ các tỉnh, trung tâm TP đến khu vực này tìm mua đất như đi xem hội. 
Trở lại khu vực này vào cuối tuần qua, chúng tôi ghi nhận không khí khá yên bình, mặc dù “âm hưởng” sốt đất vẫn còn đọng lại. Đó là hàng loạt tấm bảng quảng cáo môi giới nhà đất viết vội “ăn theo” các tiệm tạp hóa, cây xăng, quán cà phê… nhưng không có nhân viên nào túc trực như trước đây.
Đất nền hạ nhiệt ảnh 1 Các “văn phòng nhà đất” di động tại huyện Củ Chi
Tại một quán cà phê trên tỉnh lộ 9 thuộc xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) có kèm theo tấm bảng “Môi giới nhà đất: đất vườn, đất nông nghiệp, đất thổ cư…”. Hỏi cô nhân viên bán cà phê có người cần mua đất; sau một cuộc điện thoại cho ai đó, cô bảo chờ 5 phút sẽ có người dẫn đi coi đất.
Ngồi nhâm ly cà phê 30 phút mới thấy có người mặc quần lửng chạy xe đến. Qua hỏi chuyện, anh cho biết mình tên Tân, chỉ xin chủ quán cà phê cho để ké tấm bảng khi có ai cần thì liên hệ chứ không có văn phòng hay nhân viên gì. Nghề chính của Tân là chăm vườn rau muống gần 2.000m2 ở gần đó; môi giới nhà đất chỉ làm thêm lúc cơn sốt đất bùng lên ở khu vực này cách đây mấy tháng trước. Trao đổi với chúng tôi, Tân cho biết hơn tháng nay khách vắng hẳn, nhất là sau khi TP công bố tính không khả thi của một số “siêu dự án” tại Củ Chi. Chỉ còn những khách hàng muốn đầu tư lâu dài hoặc mua đất để xây nhà thì tìm đến các dự án được đầu tư hạ tầng bài bản, pháp lý rõ ràng trong khu vực.
Từ đường Lê Văn Khương (huyện Hóc Môn) kéo dài qua tỉnh lộ 9 (huyện Củ Chi), chúng tôi ghi nhận có đến gần 40 tấm bảng “môi giới nhà đất” ăn theo các tiệm cà phê, tạp hóa và hàng chục văn phòng môi giới được đầu tư khá bài bản hơn. Giá đất nơi đây cũng đã hạ nhiệt đáng kể. Nếu như đất vườn cách đây 4 - 5 tháng, có nơi hét giá 2 - 3 triệu đồng/m², nay chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/m². “Có miếng đất 1.000m² đang trồng rau muống, đường xe tải nhỏ vô tới nơi, cách tỉnh lộ 9 khoảng 1km, trước kia chủ đất kêu 2 triệu đồng/m² nhưng chưa bán kịp, nay cần tiền bán 700.000 đồng/m², anh cần thì tôi dẫn đi xem”, một người môi giới đất tại xã Đông Thạnh cho biết. Tại một số phường thuộc quận 9 và Thủ Đức, không khí mua bán bất động sản cũng khá vắng vẻ. Khu vực đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển trước kia rất đông nhân viên chạy xe dọc đường để mời chào người mua nhưng nay cũng vắng lặng.
Chọn dự án pháp lý rõ ràng
Trong lúc cơn sốt đất diễn ra, nhiều chuyên gia đã cảnh báo những người ít vốn, không nắm rõ tính pháp lý của khu đất nhưng muốn “lướt sóng” có thể sẽ trả giá. Và thật, sau cơn sốt đất vừa qua, không ít người đã “ôm cục nợ” vì không kịp xả hàng. Anh Bình, một nhà đầu tư khu Nam, cho biết anh mua một lô đất ở huyện Nhà Bè với kỳ vọng lời được 200 triệu đồng sau hơn 1 tháng. Tuy nhiên, thấy giá đất cứ tăng, có lúc lời đến 300 triệu đồng nên anh chần chừ chưa bán; đến khi thị trường chựng lại và giá giảm dần thì coi như anh đang huề vốn và trong tương lai sẽ lỗ nếu giá đất tiếp tục giảm.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Donaland, cho biết bất cứ đợt sốt đất nào cũng vậy, tâm lý đám đông khi đó bị chi phối rất nhiều. Người này mua, người kia mua đẩy giá lên như sợ mua không được mà không tìm hiểu kỹ khu đất đó giá có hợp lý, pháp lý ra sao? Đối với phân khúc đất nền nhà phố ở các dự án, nếu chủ đầu tư uy tín, đầu tư hạ tầng bài bản theo đúng cam kết thì giá trị sẽ gia tăng theo thời gian, cùng với tiến độ xây dựng và dân đến ở. Đây là điều hiển nhiên, khác với dạng đất phân lô, tạo tâm lý đám đông để hét giá ảo. 
Thực tế, sau khi siết việc phân lô bán nền, tình hình mua bán đất trong các khu dân cư đã có phần giảm nhiệt. Trong khi đó, nhiều dự án pháp lý rõ ràng, đang có dấu hiệu tăng tính thanh khoản. Đơn cử như dự án Khu đô thị Long Hưng có hơn 1.000 sản phẩm đã chính thức giao dịch từ đầu năm; khách hàng mua đợt 1 giá khoảng 8 triệu đồng/m², nay đã có thể bán lại 12 triệu đồng/m². Các dự án lớn khác như Richland City, The Viva City… cũng có mức tăng giá khá tốt. Ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phu Vinh Investment, cho rằng mua đất chưa rõ quy hoạch luôn tiềm ẩn rủi ro. Chủ trương siết quy hoạch, hạn chế phân lô bán nền đã dẫn đến thực tế nguồn cung sản phẩm có pháp lý rõ ràng sẽ khan hiếm hơn. Từ đó, nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào các dự án hoàn chỉnh quy hoạch, tính pháp lý minh bạch. 
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc L&LGroup, cho rằng khi mua đất, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về tiềm năng dự án cũng như uy tín chủ đầu tư qua những dự án trước đó. Nên chọn dự án có vị trí kết nối giao thông ở mức từ trung bình đến khá thuận tiện. Khi hạ tầng hoàn thiện dần, cơ hội tăng giá bất động sản sẽ lớn dần. Tuyệt đối không nên mua những nơi “đồng không mông quạnh” dù giá siêu rẻ, mà chọn những dự án nằm trong khu dân cư hoặc liền kề.

Tin cùng chuyên mục