Đặt hàng xử lý thêm rác thải

Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND TPHCM vừa chấp thuận việc đặt hàng bổ sung khối lượng rác sinh hoạt xử lý tại nhà máy của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Khu liên hợp xử lý rác thải Tây Bắc - Củ Chi).
Khu tập kết rác tại Nhà máy rác Vietstar, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu tập kết rác tại Nhà máy rác Vietstar, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xử lý thêm 400-600 tấn ngày

Dự kiến, Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 400 tấn/ngày. Như vậy, tổng khối lượng rác xử lý của công ty sẽ được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà thành phố (TP) đang giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.400 tấn/ngày. TP cũng đặt hàng thêm Công ty CP Vietstar tiếp nhận, xử lý với khối lượng khoảng 500-600 tấn/ngày. Tổng khối lượng rác xử lý của công ty này được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà TP đã giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.800 tấn/ngày. Đây là khối lượng rác sinh hoạt do TP đặt hàng bổ sung để 2 công ty xử lý thêm cho TP dựa trên tình hình gia tăng rác thải trên địa bàn; không phải là khối lượng rác sinh hoạt tối thiểu bắt buộc TP cam kết giao đến các công ty như khối lượng đã ký trong hợp đồng hiện nay. UBND TPHCM đề nghị 2 công ty hoàn thành tất cả hồ sơ pháp lý có liên quan đến đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường khi thực hiện tiếp nhận khối lượng đặt hàng này trong vòng 6 tháng. 

Đối với lượng chất thải tồn lưu trong khuôn viên nhà máy, TP đề nghị 2 công ty có biện pháp che phủ kín, triển khai thu gom toàn bộ nước rỉ rác phát sinh tại các bãi lưu chứa về hệ thống xử lý tập trung trong khuôn viên nhà máy. Hai công ty cần tăng cường chuyển trả chất thải tồn lưu tại các bãi lưu chứa trong khuôn viên nhà máy về bãi chôn lấp số 3. Đồng thời, TP chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM tiếp nhận khối lượng chất thải chuyển trả từ nhà máy của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (chất thải sau phân loại và chất thải tồn lưu tại nhà máy của 2 công ty), với khối lượng từ 1.200-1.500 tấn/ngày cho đến khi 2 công ty này giải phóng toàn bộ lượng chất thải tồn lưu tại nhà máy. Đây là khối lượng chất thải đã qua công đoạn phân loại, xử lý tại nhà máy của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, không phải rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của TP được chuyển giao trực tiếp đến các nhà máy xử lý.

Xử lý rác bằng công nghệ hiện đại

Cũng liên quan đến vấn đề xử lý rác, tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã yêu cầu Sở TN-MT đẩy mạnh công tác chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan khẩn trương đề xuất phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với nhà máy xử lý  rác hiện hữu trên địa bàn TP khi mở rộng quy mô, công suất xử lý rác bằng công nghệ mới hiện đại khẩn trương làm việc, trao đổi với các chủ đầu tư có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất về phương thức mở rộng quy mô, công suất đốt rác điện và công nghệ xử lý hiện đại khác của các nhà máy hiện hữu, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Đồng thời, sở làm việc với nhà đầu tư quan tâm, có năng lực và kinh nghiệm phù hợp để chủ động tổ chức thực hiện công tác lập đề xuất kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và dự án cải tạo xử lý các bãi chôn lấp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Sở TN-MT sẽ tiếp tục tham mưu, rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc xử lý chất thải rắn. Các nhiệm vụ cụ thể sẽ được thực hiện như: Triển khai rộng rãi việc bố trí điểm tập kết chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP và rà soát đánh giá hiện trạng hệ thống thu gom tái chế chất thải; hướng dẫn quận huyện trong công tác quản lý chất thải cồng kềnh; triển khai đấu thầu chọn nhà đầu tư các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải và 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất 1.000 tấn/ngày; theo dõi việc đầu tư xây dựng các nhà máy chuyển đổi công nghệ. Đồng thời bổ sung quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật công tác cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn và hoàn thiện nguyên tắc đấu thầu quét dọn, vận chuyển rác cho giai đoạn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục