Đất đai là “điểm nghẽn” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (thuộc Bộ Tài chính) vừa tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp không đạt kết quả đề ra theo đề án của Chính phủ ban hành đa số do bị “nghẽn” trong định giá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang rất chậm và không đạt được mục tiêu đề ra.

Trong năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng kết quả chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự chậm trễ trên liên quan đến khâu xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó nổi cộm lên vấn đề định giá và chuyển đổi tài sản đất đai của các DNNN.

Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường, và dù có sát thị trường song sau 10 năm, 20 năm, giá trị của doanh nghiệp lại khác, đã tạo ra lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước. Thêm vào đó, với việc nộp tiền thuê đất một lần, DNNN cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị hay công trình khác… Nhưng chuyển mục đích sử dụng đất cũng dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, sau khi kiểm toán thì giá trị của doanh nghiệp lại tăng lên rất nhiều so với trước đó, với mức bình quân là tăng 2,8 lần…

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước (cả về thể chế và tổ chức, bộ máy).

Để tiến trình cổ phần hóa đạt hiệu quả đề ra, các hình thức giảm vốn nhà nước cần được đa dạng hóa, như kết hợp giữa việc bán phần vốn nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của DNNN. Cách thức này vừa giúp DNNN tăng cường năng lực tài chính phục vụ nhu cầu tăng trưởng mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo tiến độ giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng không nên thực hiện bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn cho nhà nước.

Tin cùng chuyên mục