Đào tạo song bằng trong trường phổ thông: Hướng đi mới

Sau một năm thí điểm chương trình song bằng tú tài Việt Nam - Anh quốc, Hà Nội quyết định mở rộng mô hình này tới cấp THCS. Đây là một hướng đi mới của giáo dục mà người học có thể “du học tại chỗ”.
Một giờ sinh hoạt của học sinh theo học chương trình song bằng ở THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Một giờ sinh hoạt của học sinh theo học chương trình song bằng ở THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Hà Nội đột phá
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết để đột phá trong hội nhập quốc tế về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm dự án chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An.
Tham gia học song bằng, học sinh được học chương trình THPT quốc gia và chương trình A-level của Vương quốc Anh với 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh (gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và Tiếng Anh học thuật). Khóa học đầu tiên hiện có 49 học sinh của trường theo học (lúc đầu là 50, nhưng có 1 em xin rút khỏi chương trình), chia làm 2 lớp. Ban đầu các em học khá vất vả, bởi cấp THCS của chúng ta chưa có sự chuẩn bị. 
Tuy nhiên, đến nay học sinh tiếp thu được kiến thức và tương đối khả quan về khả năng nhận được chứng chỉ A-level. Song song đó, Hà Nội cũng triển khai chương trình đào tạo song bằng Việt Nam - Anh quốc ở Trường Tiểu học Sài Đồng. Thời gian tới (năm học 2018-2019), Hà Nội dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình này ở bậc THCS với 7 trường công lập tham gia thí điểm (gồm các trường Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Chu Văn An, Trưng Vương và Ngô Sĩ Liên); ở cấp 3, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ là trường tiếp theo đào tạo song bằng, giúp học sinh lấy chứng chỉ A-level theo chương trình Cambridge chuẩn quốc tế, song song với bằng tốt nghiệp THPT quốc gia. 
Theo học chương trình song bằng, học sinh phải học trên 40 tiết/tuần với nhiều nội dung mới và phương pháp mới. Sở GD-ĐT cùng các chuyên gia của Tổ chức Giáo dục Cambridge đã phải bàn bạc, lên kế hoạch để gộp những phần giống nhau giữa chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT Việt Nam ban hành và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Ông Ben Schmidt, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Cambridge, cũng đánh giá cao sự nỗ lực, chăm chỉ, có mục tiêu rõ ràng của các em tham gia học chương trình song bằng. “Theo đánh giá tổng quan, học sinh Việt Nam học song bằng có kết quả đáng khích lệ, chất lượng ngang bằng, thậm chí tốt hơn nhiều trường trên thế giới”, ông Ben chia sẻ. 
Phải giảm tải cho học sinh
Dù vậy, theo hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, việc tổ chức thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn như: học sinh học 2 buổi/ngày nên không có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa chung của trường; thiếu kinh phí triển khai hoạt động ngoại khóa đặc thù cho chương trình; giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm để tiếp cận và đưa ra giải pháp, tiêu chí đánh giá phù hợp; thiếu một số hạng mục như phòng học, phòng chức năng, phòng lưu trữ đề thi và bài thi đạt chuẩn, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục thể chất...
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện chương trình cũng gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Cụ thể như chưa có kinh phí cho ban điều hành chương trình và giáo viên trợ giảng, chưa có khoản chi cho việc khảo sát, xây dựng chương trình, chưa có kinh phí cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo để tiếp nhận nhiệm vụ giảng dạy các môn học trong chương trình A-level...
Khi làm việc với Trường THPT Chu Văn An, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với nhà trường rà soát lại toàn bộ quá trình và điều kiện triển khai, đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định để có đề xuất bổ sung; tổ chức lấy ý kiến của học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh để triển khai hiệu quả, không để học sinh bị quá tải; tổ chức rút kinh nghiệm để có thể triển khai nhân rộng chương trình này ở các trường khác từ tháng 8-2018. 
A-level là một chương trình dự bị đại học kéo dài 2 năm, được các trường đại học trên toàn thế giới công nhận. Chương trình A-level có thể được xem tương đương với chương trình lớp 11 và 12 tại Việt Nam. Có chứng chỉ A-level trong tay là tấm hộ chiếu vào học các trường đại học danh tiếng, đặc biệt tại Anh quốc, bởi điểm A-level cao là điều kiện tiên quyết để theo học bậc đại học, nhất là với là các ngành y, luật, cơ khí. Tại Việt Nam, Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai chương trình đào tạo song bằng tại trường công lập.
Điểm mà nhiều phụ huynh hiện nay băn khoăn là học phí để học chương trình song bằng cao, nhiều gia đình dù thích nhưng không đủ điều kiện tài chính cho con em tham gia. Học phí để học 5 môn chương trình Cambridge hiện nay của các trường như THPT Chu Văn An là 7,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính cả 3 tháng học bổ trợ thì tổng số tiết học trong 24 tháng có mức tiền khoảng 180 triệu đồng.
Theo đề án đang được Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng, mức học phí với cấp THCS là 5,6 triệu đồng/tháng. Chương trình sẽ kết thúc sau 36 tháng. Đề án này hỗ trợ những trường công lập về kinh phí, để người học có thể tham gia được chương trình này ở mức học phí có thể chấp nhận được.
“Tôi cho rằng sự hỗ trợ này là rất lớn và mức phí này là phù hợp. Các trường quốc tế trong nước đào tạo lấy chứng chỉ A-level có mức học phí khoảng 350 - 400 triệu đồng/khóa, nếu ra nước ngoài học tập thì con số sẽ còn lớn hơn”,  ông Chử Xuân Dũng nói. 

Tin cùng chuyên mục