Đào tạo nghề đáp ứng hội nhập - Cách nào?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định 7 chương trình đột phá, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề tuy đạt được kế hoạch đề ra nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, từ đó đặt ra yêu cầu cần có thêm giải pháp căn cơ, phù hợp thực tế. 
Những nội dung trên được trao đổi thẳng thắn tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của TPHCM”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức vào ngày 19-1.
Chú trọng định hướng nghề nghiệp
Mỗi năm TPHCM có khoảng 15.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT. Một phần trong số đó có thể vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề, các trường chuyên nghiệp, hoặc ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề. Nếu tính cả số học sinh bỏ học tại các trường THPT, thi rớt tốt nghiệp THPT, cao đẳng và đại học hàng năm, thì số thanh niên chưa được đào tạo nghề rất lớn. Số lượng thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề đã gây ra sự lãng phí cho xã hội và tác động đến tính hiệu quả của giáo dục, đào tạo cả nước nói chung, TPHCM nói riêng. 
Đào tạo nghề đáp ứng hội nhập - Cách nào? ảnh 1 Đào tạo nghề cho công nhân mới ở Công ty FAPV (Nhật Bản) tại Khu Chế xuất Tân Thuận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ thực tế trên, TPHCM chú trọng công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đối với định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT), nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phấn đấu 100% các trường THCS của TP có từ 1 đến 2 giáo viên chuyên trách công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, 100% các trường có phần mềm chuyên dụng để khảo sát năng lực nghề nghiệp cho học sinh, hỗ trợ 100% học phí học nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS… 
Nói về chất lượng nguồn nhân lực tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TPHCM, ông Phạm Huy Thông, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, thông tin: “Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đối với 461 lao động làm việc trong KCX-KCN vào tháng 9-2017 cho thấy, có đến 88,8% lao động được tuyển dụng vào làm việc phải được các doanh nghiệp (DN) đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc”.
Với thực trạng này, ông Thông đề xuất TP cần ưu tiên đào tạo các các ngành công nghiệp có kỹ thuật cao; tăng cường nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp gắn với phát triển nguồn nhân lực; định hướng nghề nghiệp cho lao động đang làm việc trong các ngành nghề thâm dụng lao động, nhất là lao động nữ.
Bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo hợp chuẩn
“Muốn đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao, cần thiết phải có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giỏi”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bày tỏ quan điểm. Tính đến tháng 6-2017, TPHCM có khoảng 484 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với khoảng 9.586 nhà giáo và cán bộ quản lý.
Đào tạo nghề đáp ứng hội nhập - Cách nào? ảnh 2      Đào tạo nghề cho công nhân Công ty FAPV (Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Việt dũng
Theo ông Dũng, về số lượng thì vẫn còn thiếu so với nhu cầu, cơ cấu ngành nghề phân bố không đồng đều; về chất lượng thì phần lớn nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng thực hành nghề theo tiêu chuẩn quốc gia và còn hạn chế trình độ ngoại ngữ, tin học. Để công tác đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM đạt hiệu quả, PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề xuất TP “đặt hàng” Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp phù hợp chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, ông đưa ra một số giải pháp cụ thể khác, như hỗ trợ bổ sung trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các học phần Thực hành Kỹ năng nghề phù hợp với chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; áp dụng phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực của người học; chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo theo định hướng gắn nhà trường với DN.
Trăn trở trước những đòi hỏi bức thiết về việc cần đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề, bà Phạm Thị Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè, kiến nghị dành nguồn kinh phí để hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên (bằng cách đưa giáo viên cọ xát với các nơi đào tạo tiên tiến), cũng như có chính sách nâng cao thu nhập cho nhà giáo. Bên cạnh đó, cần quan tâm tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, đảm bảo cho người học được tiếp cận thiết bị sát với thực tiễn, giúp họ tự tin và đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các công ty, DN.
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra về định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2, TPHCM xác định nhiều giải pháp cụ thể, như tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao vị thế hình tượng của người “công nhân kỹ thuật”, người “lao động lành nghề” trong xã hội; xây dựng cổng thông tin về giáo dục hướng nghiệp làm tài nguyên phục vụ công tác hướng nghiệp cho cả giáo viên và học sinh các trường THCS trên địa bàn TP; đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu xã hội; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường liên kết hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến, giao lưu học sinh, bồi dưỡng đội ngũ và hợp tác đào tạo, xây dựng các chế độ chính sách phù hợp đối với người học…

Tin cùng chuyên mục