Đào tạo cán bộ phải gắn với nhu cầu của đơn vị

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM trong bối cảnh thành phố đang xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số mạnh mẽ, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Chiều 22-11, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển TPHCM”.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, trong đó xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội xác định trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”.

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ và đòi hỏi của Đảng và nhân dân thành phố”.

Đào tạo cán bộ phải gắn với nhu cầu của đơn vị ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

Trước bối cảnh phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ và chính quyền nói chung, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM nói riêng đứng trước những yêu cầu mới cùng những cơ hội, thách thức. Do đó, hội thảo nhằm góp phần tổng kết thực tiễn công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố trong thời gian qua; cung cấp các luận cứ khoa học; căn cứ chính trị, pháp lý; các giải pháp khoa học, khả thi để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững TPHCM trong bối cảnh, điều kiện mới.

Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Các bài viết đã cung cấp các luận cứ khoa học; chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM. Một số bài viết đã tập trung vào những vấn đề cụ thể, thực tiễn để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Cán bộ TPHCM.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM trong bối cảnh thành phố đang xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số mạnh mẽ, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Qua đó, xác định công tác đào tạo đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với quận, huyện, sở, ngành để xác định nhu cầu, yêu cầu của đơn vị. Gắn  đào tạo với công tác bố trí cán bộ, đánh giá, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ, đặc biệt phải chú trọng công tác đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến giải pháp đổi mới phương thức tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để vừa đảm bảo đúng quy định, đảm bảo tính chủ động, hiệu quả trong tình hình mới. Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là các giải pháp để phát huy tính chủ động, tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục