Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Không thể làm hài lòng tất cả mọi người

Lần đầu tiên điện ảnh Việt chứng kiến một kịch bản, một đạo diễn, nhưng có 2 phim ra mắt cùng thời điểm. Người đứng sau 2 tác phẩm đó là Phan Gia Nhật Linh. Những trải lòng quá trình làm phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gợi mở thêm nhiều tình tiết thú vị, dù cả hai bộ phim nhận những ý kiến trái chiều từ khán giả.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dành nhiều tâm huyết cho 2 bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dành nhiều tâm huyết cho 2 bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

PHÓNG VIÊN: Anh và ê kíp xác định sẽ kể câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua 2 bộ phim theo cách như thế nào?

Đạo diễn PHAN GIA NHẬT LINH: Làm phim về nhân vật có thật rất khó. Quá trình làm phim, chúng tôi mất 2 năm nghiên cứu, tham khảo tư liệu. Chúng tôi đưa đề bài và khung sườn, sau đó đội ngũ biên kịch cùng đi gặp gia đình, bạn bè nhạc sĩ. Hầu hết mọi người đều nói mình là bạn thân nhất của Trịnh Công Sơn và kể rất nhiều câu chuyện. Một điều thú vị, cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người kể theo cách khác nhau. Nếu làm phim theo lời kể của một người, những người khác sẽ nói câu chuyện không phải như vậy. 

Khi “bơi” trong tư liệu, chúng tôi quyết định ngừng tìm kiếm. Vì quá mải miết chạy theo điều đó, chúng tôi bị cuốn đi và quên mất ý định ban đầu. Chúng tôi nghiệm ra, tất cả đều là ký ức của mọi người. Tôi chọn theo cách mình muốn kể. Câu chuyện của nhạc sĩ chỉ là cảm hứng để tôi kể câu chuyện mang tính cá nhân hơn. Hầu hết nhà làm phim đều làm như vậy. Đương nhiên, khán giả sẽ có ý kiến và đó là quyền của họ. Làm phim xong, tôi chấp nhận phán xét của khán giả. 

Anh gặp những áp lực nào từ phía gia đình trong quá trình làm bộ phim?

Đầu tiên, nhiều người nói gia đình nhạc sĩ khó tính. Nhưng tôi xác định mình cứ đến vì nếu không gặp gỡ sẽ không có câu trả lời, thay vì tin vào những lời đồn. Trong lần đầu gặp với mục đích để chào hỏi, tôi kể vắn tắt câu chuyện. Anh Trực (chồng nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ) nói, chưa có nhiều người biết về câu chuyện này. Trước đây, gia đình cũng nhận nhiều kịch bản phim, nhưng họ đều từ chối vì người làm không hiểu nhạc sĩ hoặc kịch bản chưa hay. 

Sau khi gia đình đồng ý, áp lực ở đây là vì mình là người được lựa chọn và tin tưởng trao trọng trách này, chứ không phải gia đình nhạc sĩ khó tính. Khi xong kịch bản, chị Trinh chỉ góp ý một số từ ngữ, vì khi ở nhà không xưng hô như thế, hoàn toàn không can thiệp về tư tưởng hay cốt truyện. Họ hiểu, đây là tác phẩm nghệ thuật và góc nhìn của đạo diễn. Điều nhẹ nhõm nhất là khi chiếu phim cho gia đình xem trước, mọi người đều xúc động. Tôi đã giữ đúng lời hứa với gia đình, làm một bộ phim để họ cảm thấy nhạc sĩ được tôn vinh. 

Anh đón nhận sự kỳ vọng và những phản ứng của khán giả như thế nào?

Tôi tin chắc sẽ có một bộ phận công kích khi mình làm phim về nhạc sĩ. Đơn giản như khi chúng tôi tung first look (những hình ảnh đầu tiên), đã có nhiều người vào soi những chi tiết rất nhỏ. Nhưng tôi quan niệm, cái gì kiểm soát được hãy lo lắng. Không ai có thể làm hài lòng tất cả khán giả. Do đó, tôi không tự đặt áp lực và làm khổ chính mình. Thứ tôi quan tâm là mình có truyền đạt được thông điệp đến cho người xem không, hơn là thông điệp đó có làm hài lòng họ. Khán giả thích hay không là quyền của họ. Đôi khi hôm nay họ không thích nhưng ngày mai lại thích và ngược lại. 

Dàn diễn viên trong phim có khiến anh hài lòng?

Theo tôi, để bộ phim này thành công, 50% là phải chọn đúng diễn viên. Phim quá may mắn và đoàn phim thường nói, chắc do nhạc sĩ phù hộ nên mới tìm được dàn diễn viên. Trong phim, hầu hết diễn viên lần đầu đóng điện ảnh. Khi làm việc với họ, tôi có 2 cách. Thứ nhất, đặt niềm tin tuyệt đối và cho họ thấy, mình tin tưởng họ. Khi nhận được điều đó, họ sẽ đặt hết tâm huyết vào vai diễn. Thứ hai, tôi tạo không khí để họ sống trong nhân vật. Các diễn viên đều làm theo cách đó và thực sự sống trong nhân vật. Tôi tin và tự hào với dàn diễn viên của mình.  

Anh có nghĩ, mình có công thức thành công riêng khi làm phim?

Tôi không biết công thức thành công đó là gì. Thế mạnh trước giờ của tôi là kể câu chuyện cảm động. Khán giả Việt khi ra rạp thích được cười, khóc, có thể vui, buồn hay sợ hãi. Cái tôi đem đến cho người xem là điều đó. Nhưng bộ phim lần này không chỉ có thế. Nó còn mang cả những câu chuyện về thế sự, lịch sử, tầm vóc một con người. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến âm nhạc. Dù không chơi nhạc, nhưng tôi tự tin mình có cảm nhạc tốt. Tôi tin phim này đem đến cho người xem trải nghiệm âm nhạc đặc biệt.

Thành công của anh gắn liền với nhiều phim chuyển thể, anh có ngại mình sẽ bị đóng khung?

Tôi không quan trọng việc đó. Quan trọng mình kể câu chuyện như thế nào, có đủ hấp dẫn, chất riêng hay không. Vậy nên, dù được kể lại, nhưng phải biết biến nó thành câu chuyện của mình. Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, hay mới nhất là Trạng Tí, tôi đều tạo ra những câu chuyện mới. Với Em và Trịnh, tôi chỉ lấy chất liệu cuộc đời nhạc sĩ để kể câu chuyện của mình, là góc nhìn của tôi về nhạc sĩ. Nó có thể không đúng với mọi người, hay với sự thật, nhưng khi xem khán giả sẽ cảm nhận được thông điệp, đem đến cho họ điều chưa được nghe ai nói, ai kể. 

Thời gian qua, anh cũng là người lên tiếng góp ý rất nhiều cho Luật Điện ảnh (sửa đổi), đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt?

Tôi quan niệm, là người nghệ sĩ làm sáng tạo phải được bảo vệ và có quyền tự do. Việc tham gia góp ý để có luật tốt sẽ tạo hành lang pháp lý giúp điện ảnh phát triển. Tôi cũng cho rằng, nếu không có đối thoại, người làm luật sẽ nghĩ không có vấn đề gì. Theo tôi, cũng khó để thay đổi luật 100% như mong muốn. Chúng ta phải thay đổi từng bước… 

Tin cùng chuyên mục