Đạo diễn Nguyễn Triều Dương: Muốn bứt phá, phải có cái mới

Sau thành công của vở nhạc kịch Những người khốn khổ, đạo diễn Nguyễn Triều Dương lại say mê sáng tạo cho dự án nhạc kịch Sóng của Nhà hát Tuổi Trẻ. Loại hình sân khấu này không mới, song với khán giả trong nước, nhạc kịch vẫn chưa thật quen thuộc.

 Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP, đạo diễn Nguyễn Triều Dương (ảnh) tin tưởng rằng đây là thời điểm quan trọng để tạo ra tiền đề, nền móng cho nhạc kịch phát triển ở Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dương: Muốn bứt phá, phải có cái mới ảnh 1 Đạo diễn Nguyễn Triều Dương
PHÓNG VIÊN: Là nghệ sĩ được đào tạo về nhạc kịch ở Anh, có thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước làm việc anh có gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cách làm nhạc kịch của người Việt?
Đạo diễn NGUYỄN TRIỀU DƯƠNG: Tôi từng sống và làm việc trong môi trường mà mọi thứ đã có sẵn, và nghệ sĩ chỉ là bộ phận trong bộ máy đó, ập vào là diễn, làm kịch bản… Còn môi trường nhạc kịch trong nước, mọi thứ vẫn đang tạo nền tảng, đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống để nhạc kịch có thể vận hành và đi tiếp. Cái khó nhất khi dàn dựng một vở nhạc kịch tại Việt Nam là đội ngũ ca sĩ - diễn viên. Trên thế giới, diễn viên diễn nhạc kịch hội tụ cả giọng hát và diễn xuất, song ở trong nước không có nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản như vậy. Có những giọng ca tuyệt vời, nhưng họ chỉ đơn thuần là ca sĩ, không phải diễn viên. Vì vậy, luyện cho các ca sĩ vừa có thể hát tốt, vừa thể hiện cảm xúc nhân vật như diễn viên là không dễ dàng. Đúng là có nhiều khó khăn nhưng có khi dễ thì chúng ta không thích, khó mới cần đến chúng ta - những người nhiệt huyết để làm.
Đạo diễn Nguyễn Triều Dương: Muốn bứt phá, phải có cái mới ảnh 2 Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cùng các nghệ sĩ trẻ luyện tập vở nhạc kịch Sóng
Nhạc kịch còn mới mẻ, nhưng gần đây dường như khán giả đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới loại hình này?
 Khán giả Việt Nam sẵn sàng đón nhận những cách kể chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật mà họ không biết trước sẽ được đưa đi đâu, chưa biết cảnh sau như thế nào. Với vở Những người khốn khổ, khán giả thích thú khi họ được đắm chìm trong mạch truyện của tác phẩm, thậm chí còn muốn tham gia vào không gian đó.
 Góc nhìn của anh về nhạc kịch ở Việt Nam thời điểm hiện nay như thế nào?
 Chúng ta đang làm nhạc kịch kiểu “du kích”, chứ không giống như ở nước ngoài đã có sẵn hành lang pháp lý, tổ chức, có bộ máy phục vụ cho những ý tưởng nghệ thuật. Người Việt Nam mình rất giỏi, thành công của vở nhạc kịch Những người khốn khổ cũng là một minh chứng cho thấy chúng ta không đòi hỏi một bước đệm nhung lụa mà vẫn đến được đích. Với nhiệt huyết như vậy, những người yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật sẽ làm ra những bước tiến dài hơn.
Phải chăng đó là điều thôi thúc anh khi tham gia bắt tay làm tiếp dự án nhạc kịch Sóng - một vở nhạc kịch mới mẻ, kể câu chuyện có thật về cuộc đời của một nữ thi sĩ nổi tiếng?
Dàn dựng vở nhạc kịch kinh điển thì có điều thuận lợi, nhưng với những vở diễn mới thì lại có nhiều hơn cơ hội sáng tạo, hoán đổi các yếu tố để có sản phẩm tối ưu nhất. Sóng là tác phẩm thứ 4 tôi làm ở Việt Nam. Những tác phẩm trước tôi khá liều lĩnh đưa những điều mới, có khi là mới ở không gian bối cảnh, có khi là mới ở cách thể hiện - diễn viên, làm những điều ngược lại với những thói quen từ trước đến giờ. Và cả 3 lần thử nghiệm đó đều thành công, nhà hát kín chỗ ngồi và khán giả đều thích thú. Khi làm nghệ thuật, tôi không quá lo lắng rằng khán giả không hiểu, không cảm được hay bị lạc trong thế giới mình sáng tạo. Thành công trong nghệ thuật đòi hỏi phải có sự bứt phá, muốn bứt phá phải có cái mới. Không riêng với Sóng mà dự án nào tôi cũng có những trăn trở. Thời gian tôi sống và làm việc ở nước ngoài khá dài, cảm nhận nghệ thuật cũng khác nhau. Đôi khi tôi hơi lạc lõng vì chưa hiểu tường tận văn hóa Việt Nam. Tự tôi phải cân bằng, phải học hỏi từ những đồng nghiệp, các bậc tiền bối. Sóng dựa trên câu chuyện có thật, sâu sắc về tư duy, cách ứng xử giữa con người với con người và đó là yếu tố rất hấp dẫn. Tên tuổi của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được nhiều khán giả biết đến, nhưng những khó khăn mà họ phải trải qua thời gian đó thì chưa có nhiều người biết và khán giả sẽ tò mò. Tôi nghĩ cuộc sống của họ xứng đáng được chúng ta nhắc đến một cách trân trọng nhất.
Có mạo hiểm không khi dựng nhạc kịch với ê kíp là những diễn viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề?
 Với các diễn viên, họ nhiệt huyết, miệt mài và đó là ưu điểm rất lớn. Họ là thế hệ trẻ văn minh, có sự tìm tòi về nhạc kịch, có sự nhạy bén. Xuất phát điểm trẻ nên họ cần được dẫn dắt để tiếp cận số phận nhân vật thời điểm đó thế nào, khác thời chúng ta đang sống ra sao, đó là thách thức của ê kíp. Cảm nhận nghệ thuật của từng nghệ sĩ rất quan trọng. Nếu chúng ta vượt qua được rào cản, đến cùng cảm nhận nghệ thuật với nhau thì sẽ thành công. Chẳng hạn cùng một nhân vật nhưng tôi nghĩ khác, diễn viên cảm nhận khác. Chúng tôi sẽ nói ra cảm nhận của mình, bàn bạc để đi đến một sự thống nhất về cách thể hiện cho phù hợp với tổng thể và diễn viên có thể thăng hoa nhất. Cả ê kíp sáng tạo đều như vậy, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo diễn dàn dựng, mọi người nghiền ngẫm, suy nghĩ, tìm được lối chung để có vở nhạc kịch hấp dẫn về hình ảnh, nội dung, đi đúng hướng nghệ thuật đưa ra từ ban đầu.

Tin cùng chuyên mục