Đạo diễn Đức Thịnh: Mỗi bộ phim phải là một ngôi sao thực sự

Khi được hỏi việc có những ngôi sao phòng vé liệu có là điều bảo chứng về doanh thu cho một tác phẩm, đạo diễn Đức Thịnh khẳng định chắc nịch: Mỗi bộ phim phải là một ngôi sao thực sự bởi nếu phim chất lượng không tốt, khán giả sẽ quay lưng.  
Đạo diễn Đức Thịnh chỉ đạo diễn xuất trên phim trường Anh thầy ngôi sao. Ảnh: Đ.P.C.C.
Đạo diễn Đức Thịnh chỉ đạo diễn xuất trên phim trường Anh thầy ngôi sao. Ảnh: Đ.P.C.C.

Muốn làm bộ phim tươi tắn

PHÓNG VIÊN: Trở lại vai trò đạo diễn với dự án Anh thầy ngôi sao, điều gì khiến anh tự tin sẽ thuyết phục người xem? 

Đạo diễn ĐỨC THỊNH: Trước hết phải khẳng định đây là dự án đầy tính ngẫu nhiên và tôi có cơ hội lần đầu hợp tác với các thành phần trong đoàn, dàn diễn viên… Hơn một tháng sống trên đảo làm việc tôi thực sự thoải mái, không căng thẳng. 

Theo tôi, đây là một bộ phim tươi tắn, gần gũi và dễ thương. Trong cuộc sống ai cũng có ước mơ và không phải ai cũng làm được điều đó. Tuy nhiên, hãy đừng lo lắng quá nhiều mà cứ bước tiếp. Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Dĩ nhiên, tôi có chút lo lắng về doanh thu nhưng tôi tin khán giả sẽ xem bộ phim mình làm. Một bộ phim tốt, gần gũi khán giả sẽ được họ đón nhận. 

Trong dàn diễn viên của phim có rất nhiều em nhỏ, điều các đạo diễn thường e ngại. Anh giải quyết bài toán đó như thế nào?

Trong giới làm phim, làm việc với trẻ em, động vật… là điều ai cũng lo lắng. Riêng với các diễn viên nhí, từ quá trình casting tôi đã có sự tính toán, cân nhắc  kỹ lưỡng. Từ hơn 100 em đăng ký, tôi chọn được 5 em có tính cách giống đến 70% các nhân vật trong phim. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu bởi với các bé, những gì thuộc về tự nhiên, bản ngã là lợi thế. Trong quá trình quay, tôi vừa làm vừa quan sát, không ép các em vào một khuôn khổ nào và phát triển diễn xuất theo cá tính từng em nhỏ. 

Tôi cũng may mắn vì có em chưa từng diễn xuất nhưng tất cả đều chuyên nghiệp, hiểu công việc và có dự cảm tốt. Lúc nào các bé cũng dư năng lượng nhưng khi vào quá trình quay đều tập trung hết mình. 

Điều gì ở dự án này khiến anh nhận lời cả tham gia diễn xuất?
Trước hết phải khẳng định, tôi không tự chọn nhân vật này cho mình. Quyết định chọn tôi vào vai diễn là của nhà sản xuất. Quá trình casting với nhiều gương mặt khác nhau, họ chọn vì thấy tôi phù hợp cả về độ tuổi, nét diễn, tính cách. Bản thân tôi cũng suy nghĩ nhiều mới nhận lời vì không muốn quá ôm đồm.
Nhưng khi đồng ý kiêm nhiệm nhiều vai trò, tôi luôn có sự tính toán kỹ lưỡng. Nếu có các cảnh quay của mình, tôi hoàn toàn tập trung cho việc diễn xuất sau khi đã sắp xếp, kiểm tra các khâu khác một cách chu toàn. Đây cũng là nhân vật sở trường nên tôi vào vai khá ngọt và không gặp khó khăn nào. 
Thú thực, từ sau vai chính trong Ma dai tôi chưa có vai nam chính nào. Hầu hết các nhà sản xuất đều nhìn tôi ở góc độ đạo diễn dù xuất phát điểm, tôi là diễn viên có kinh nghiệm hơn 20 năm diễn xuất. 
Làm phim giải trí chưa bao giờ dễ
Với một nhà làm phim, theo anh sự may mắn đóng vai trò như thế nào?
Tôi nghĩ rằng không có công việc nào không cần sự may mắn và trong mọi thành công đều có yếu tố đó. Tuy nhiên, trong khi chờ may mắn mình phải luôn nỗ lực. Nhiều người bên ngoài nhìn vào cứ nghĩ làm phim dễ ăn nhưng chỉ có ê kíp mới thấu hiểu sự vất vả, lao tâm khổ tứ, những ngày lao động miệt mài từ trang giấy, ra đến hiện trường và hậu kỳ. Khi nghe một số người gọi phim giải trí là phim mì ăn liền tôi cảm thấy bị tổn thương. Có thể phim hay hoặc chưa hay nhưng tôi tin phim luôn đạt thành công ở mức độ nào đó, có cái gì đó khán giả mới đón nhận. 

Mỗi năm, điện ảnh Việt có khoảng 45-50 phim ra mắt và đa số đều là phim giải trí vì nhà làm phim nào cũng muốn gần gũi, tiếp cận khán giả. Số ít còn lại, tạm gọi là phim nghệ thuật. Tôi chưa bao giờ phân biệt 2 dòng phim đó mà chỉ quan tâm phim có hay không. Nếu nói làm phim giải trí dễ hơn, tôi không đồng tình. Theo tôi, làm phim không có áp lực khán giả, làm cho mình hay một nhóm khán giả, một nhóm bạn xem là dễ nhất. Do đó, tôi khẳng định làm phim giải trí khó và không như mọi người nghĩ. Ai đó cứ thử làm sẽ biết. 

Anh nghĩ ở thời điểm hiện tại có một công thức hay yếu tố nào đó đảm bảo thành công cho một dự án phim?

Theo thống kê của cá nhân tôi, các phim thành công tính đến thời điểm hiện tại 70% là hài. Tôi cho rằng một bộ phim ăn khách phải là một phim dễ hiểu, không đánh đố khán giả và không tỏ ra nguy hiểm. Nội dung và thông điệp của phim cũng phải khiến khán giả nhận ra tức thì, thay vì đao to búa lớn khiến họ cảm thấy rối rắm và không tiếp nhận được cái hay của phim. Nếu phim đã dễ hiểu, dễ gần lại có thêm sự sâu sắc là điều quá tuyệt vời. 

Anh nhìn nhận như thế nào về mối tương quan giữa chất lượng và doanh thu phim vì trên thực tế có những phim thành công bởi ra mắt đúng thời điểm, được các nhà phát hành ưu ái?

Tôi nghĩ đánh giá này ở thời điểm 4-5 năm về trước sẽ chính xác hơn.  Phim ăn khách là những phim phải có chất lượng, không kể ra mắt thời điểm nào. Tất nhiên, thời điểm là một yếu tố không thể bỏ qua, ví như, ra mắt dịp lễ khán giả có nhiều thời gian đến rạp chiếu hơn. Một bộ phim bán được vé tức là nó phải có điểm mạnh và đạt thang điểm nhất định nào đó theo đánh giá của khán giả. Người xem giờ thông minh vì nhiều khi chỉ cần coi trailer là họ biết phim hay, dở. Tôi luôn đánh giá cao khán giả và không chỉ chờ vào may mắn. 

Còn việc có hay không những ngôi sao phòng vé?

Tôi cho rằng điện ảnh Việt đang có những thay đổi lớn khi các dự án có ngôi sao chưa chắc đảm bảo doanh thu phòng vé. Nếu chất lượng phim không tốt khán giả sẽ quay lưng. Do đó, hãy biến mỗi bộ phim trở thành ngôi sao thực thụ.

Chủ đích của tôi là luôn chọn các gương mặt mới nhiều năng lượng. Tôi nghĩ các nhà sản xuất khác cũng cần làm như vậy để 1-2 năm tới, chúng ta sẽ có ngôi sao mới, khiến thị trường đi vào ổn định, bớt trồi sụt như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục