Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Có thuyết phục?

Tháng 8-2017, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mặt hàng nước ngọt với lý giải đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích, song việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với việc tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì như chế độ ăn uống nhiều tinh bột, lười vận động…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì như chế độ ăn uống nhiều tinh bột, lười vận động…

Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt là nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các lập luận trên của Bộ Tài chính đã gây ra nhiều tranh cãi do chưa đủ tính thuyết phục. 

Xác định rõ khái niệm “nước ngọt có đường”

Lý do Bộ Tài chính đánh thuế TTĐB với nước ngọt có đường “do mặt hàng này gây béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường” được cho là chưa thuyết phục. Các hiệp hội doanh nghiệp nêu thắc mắc, có loại đồ uống chứa hàm lượng đường rất thấp, dùng để bổ sung khoáng chất, vitamin cho cơ thể nhưng vẫn bị đề xuất áp thuế. Ông Trần Quang Chung, đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, giải thích béo phì có nhiều nguyên nhân như do lười tập thể dục, ăn quá nhiều tinh bột, thậm chí có cả việc… ngồi họp cả ngày chứ không phải do nước ngọt.

Ông Nguyễn Tiến Vị, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), đặt vấn đề: “Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì? Nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, liệu có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không? Đề nghị tăng thuế TTĐB với nước ngọt là chưa thuyết phục”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Huy, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra béo phì có nhiều nguyên nhân, có thể do lượng calo đưa vào cơ thể lớn hơn lượng calo tiêu thụ; chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều các thức ăn nhanh (thường có hàm lượng chất béo cao), không phải chỉ do lượng đường trong đồ uống gây nên.

Theo chia sẻ của ông của ông Wayne Barford, Cố vấn cao cấp, Trung tâm Đầu tư và thuế quốc tế (ITIC) tại tọa đàm “Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay trên thế giới - Một số hàm ý cho Việt Nam” do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức ngày 13-12: “Nghiên cứu về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát ở 158 quốc gia cho thấy, đây không phải là xu hướng phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Thực tế trên thế giới không có quốc gia nào sử dụng công cụ chính sách thuế, cụ thể là thuế TTĐB để thực thi mục tiêu sức khỏe cộng đồng”. Ngay cả những nước phát triển và có tỷ lệ béo phì cao trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... cũng không áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, do hiệu quả của chính sách thuế này trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào. Nhiều quốc gia đã từng áp dụng các loại thuế tương tự, nhưng sau đó phải bãi bỏ như Argentina, Đan Mạch, Indonesisa, Nam Phi, Pakistan...

Trong kiến nghị góp ý gửi Bộ Tài chính, VBA yêu cầu Bộ Tài chính phải chứng minh một cách khoa học về việc liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì? Và nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không? Hiệp hội này cũng đề nghị làm rõ những từ ngữ trong dự án luật chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ, khái niệm “nước ngọt có đường” cần được xác định rõ ràng là bao gồm nước ngọt có bổ sung đường và không bao gồm nước sử dụng chất tạo ngọt? Trong trường hợp nước uống có vị ngọt nhưng không chứa đường thì có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như Bộ Tài chính mô tả hay không?”.

Cần công bằng và bình đẳng

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham), cho rằng điều quan trọng là luật và các quy định được thiết kế để đảm bảo thi hành một cách công bằng và bình đẳng. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi xem xét các cách thu hút đầu tư có chất lượng cao và đẩy mạnh sự phát triển ở khu vực tư nhân.

Trên thế giới, gần như tất cả quốc gia có đánh thuế đối với nước ngọt đều áp dụng phương pháp đánh thuế theo lượng đường với mức thuế tuyệt đối (Thái Lan, Pháp, Mexico, Hungary, Na Uy, Anh…). Việc áp thuế theo lượng đường trong sản phẩm dựa trên nguyên tắc sản phẩm có lượng đường cao (tính trên một đơn vị thể tích nhất định) sẽ chịu mức thuế cao và ngược lại; đồng thời, sản phẩm có lượng đường dưới một mức nhất định sẽ không bị đánh thuế. Phương pháp này không chỉ thể hiện sự công bằng của sắc thuế mà còn tạo động lực cho các nhà sản xuất ngành nước giải khát giảm lượng đường trong sản phẩm của mình, từ đó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng do ban soạn thảo đề ra. Trong trường hợp đánh thuế TTĐB lên nước ngọt cũng cần có lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn tại Vương quốc Anh, Chính phủ đưa ra thời gian 13 tháng, kể từ khi thuế TTĐB được ban hành (tháng 4-2017) và có hiệu lực (tháng 5-2018). Tại Thái Lan, chính sách thuế TTĐB sửa đổi đối với nước ngọt có hiệu lực từ tháng 9-2017, song từ thời điểm đó đến tháng 9-2019 (24 tháng), thuế suất không có sự thay đổi so với mức hiện tại. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn đưa ra lộ trình tăng dần thuế TTĐB trong vòng 7 năm để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh.

Theo kế hoạch, thời gian từ khi dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế được Quốc hội thông qua cho tới khi có hiệu lực chỉ là 2 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn và không đủ để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình!

Tin cùng chuyên mục