Đánh thức Tây sông Hậu

Gần như mỗi sáng, ông Stiermann Martin (ảnh), Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logde, xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ, luôn cầm lái ca nô đưa khách dạo một tua, khi ghé chợ nổi Phong Điền - Cái Răng (Cần Thơ), lúc xuôi dòng kinh xáng Xà No (Hậu Giang).  
Ông Stiermann Martin (giữa), Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logde, xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ
Ông Stiermann Martin (giữa), Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logde, xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ

Kinh xáng Xà No dài khoảng 40km, bắt đầu từ sông Cái Lớn (giáp ranh Kiên Giang và Hậu Giang) qua trung tâm TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy rồi đến Vàm Xáng (Phong Điền, Cần Thơ). Kinh xáng Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miền Tây sông Hậu.

Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt (TPHCM) Phan Đình Huê, sau khi tháp tùng ông Stiermann Martin, đã có những chia sẻ: “Đến chợ nổi Cái Răng chừng 20 phút, khách biết được ngay sinh hoạt bán buôn, nên dễ chán. Họ sẽ thích và ở lâu hơn nếu theo dòng Xà No thăm trang trại nuôi dê, hay vùng trồng khóm Cầu Đúc vang danh miền Tây. Du khách sẽ được thăm những địa điểm độc đáo hai bên dòng Xà No như: làng hoa Xáng Mới, nhà máy xay xát lúa gạo có từ thời Pháp thuộc (dọc con kênh có khoảng 10 nhà máy như vậy); hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc VietGAP Bảy Ngàn 20ha; xóm đóng ghe xuồng... Khách cực kỳ thích thú khi thăm trang trại nuôi dê để tận mắt chứng kiến cảnh vắt sữa dê và sản xuất phô mai. Khách có dịp hiểu thêm về đời sống của người dân Hậu Giang khi đặt chân đến vùng khóm Cầu Đúc hơn 2.000ha ở Hỏa Lựu, Vị Thanh. Nhiều nông hộ lập những rẫy khóm như những nông trang du lịch làng quê.  

Cuối năm 2020, chợ Du lịch Xà No đã được khởi công xây dựng cặp dòng Xà No, ngay trung tâm TP Vị Thanh, với bến tàu du lịch và khách sạn 4 sao Xà No liền kề; và kết nối với phố đi bộ Hai Bà Trưng gồm các khu ẩm thực, vui chơi và giải trí… Đây được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng cho tuyến du lịch Xà No - Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu ví von: “Du lịch Hậu Giang giống như một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức”. Thực tế, Hậu Giang có nhiều tiềm năng với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, Trúc Lâm Thiền viện, rừng tràm Vị Thủy…, và đương nhiên là chợ nổi Ngã Bảy đi vào bài ca cổ bất hủ Tình anh bán chiếu.  

Hậu Giang đang gấp rút triển khai đề án kêu gọi đầu tư vào khai thác du lịch ở Lung Ngọc Hoàng 2.800ha. Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội cho biết: Chúng tôi chỉ kêu gọi đầu tư vào một diện tích nhỏ nằm trong khu phục hồi sinh thái để đầu tư làm cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính, tạo tiện ích cho du khách.

“Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng và kinh xáng Xà No là những trụ cột quan trọng để Hậu Giang phát triển du lịch”, ông Phan Đình Huê nhận định. Chia sẻ quan điểm này, đồng chí Lê Tiến Châu định hướng: “Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng hệ thống kinh xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, trở thành con đường nông sản sôi động nhất ĐBSCL. Hơn 100 năm sau, nông nghiệp Hậu Giang có bước phát triển rất đáng ghi nhận với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn với nhiều nông sản chủ lực và đặc sản có giá trị khác; đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, với các tổ hợp tác, hợp tác xã và những nông dân tiên tiến”.

Tin cùng chuyên mục