Đánh thức du lịch Ba Tơ

Sở hữu nhiều di tích lịch sử - cách mạng - văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo như di tích khởi nghĩa Ba Tơ, Đặng Thùy Trâm, Trường Lũy Quảng Ngãi…, địa danh núi Ngang, hồ Tôn Dung, thác Lũng Ô, thảo nguyên Bùi Hui; cũng như là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Hrê, Ba Tơ hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch.

Bùi Hui có khí hậu quanh năm mát mẻ, có cây sim tự nhiên nhiều nhất Quảng Ngãi
Bùi Hui có khí hậu quanh năm mát mẻ, có cây sim tự nhiên nhiều nhất Quảng Ngãi

Đa dạng tiềm năng

Nói đến huyện Ba Tơ không thể không nhắc đến di tích quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi. Di tích đi qua 4 xã: Ba Thành, Ba Động, Ba Liên và Ba Khâm, trong đó một số điểm đã được Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi gắn biển tên tham quan du lịch. Trường Lũy Quảng Ngãi được ví như công trình kiến trúc tường thành dài nhất Đông Nam Á, đặc biệt hội tụ nhiều kiến trúc gồm lũy, đồn, đường cổ… cùng với đó là phong cảnh thiên nhiên, hệ thống sông suối, núi non, ruộng đồng, nương rẫy, rừng cây bao phủ. Kể từ khi được phát lộ, mỗi năm di tích đón hàng chục đoàn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.

Một điểm du lịch cũng hấp dẫn không kém là hồ chứa nước Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ). Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, du khách còn được trải nghiệm những món ăn được chế biến theo ẩm thực miền núi của đồng bào Hrê, như: cá niêng nướng, ốc đá nấu rau ranh, heo ky, các loại rau rừng, gà re..., cùng hương vị rượu cần truyền thống. Tuy vậy, nổi tiếng nhất trong vài năm gần đây, thu hút khá đông du khách và các bạn trẻ tìm đến chính là thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang). Nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, cách trung tâm huyện khoảng 10km về hướng Nam, Bùi Hui là một thảo nguyên đất đỏ bazan có khí hậu quanh năm mát mẻ, với những vạt rừng sim tự nhiên xinh đẹp. Khách còn có thể đến di tích khởi nghĩa Ba Tơ, hồ chứa nước núi Ngang, thác Lũng Ồ, thác Lệ Trinh, thác Tà Manh, thác Cao Muôn; rừng tự nhiên ở núi Cao Muôn (xã Ba Vinh), đèo Vi Ô Lắc (xã Ba Tiêu)...

Cùng với việc đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử, văn hóa, thời gian qua huyện Ba Tơ cũng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, các phương tiện đi lại giữa TP Quảng Ngãi - Ba Tơ để phát triển du lịch. Mới đây, dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng cũng đã triển khai, tổng kinh phí trên 10,5 tỷ đồng. Các giá trị văn hóa như hát talêu, kachoi, cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới...; nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm từ nghề đan, lát... cũng được gìn giữ, phát huy phục vụ du khách.

Thúc đẩy cơ hội du lịch

Ba Tơ có hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê sinh sống. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Hrê gắn với du lịch luôn được đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm. Không chỉ sưu tầm, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, địa phương còn nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm văn hóa mới.

Theo bà Đinh Thị Y Ban Quý, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Tơ, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, thị trấn Ba Tơ đang tập trung vào lĩnh vực dịch vụ thương mại. Theo Nghị quyết số 39 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử, thị trấn đã chủ động giao các đơn vị trường học, đoàn thanh niên quản lý chăm sóc, bảo vệ di tích. Chúng tôi tuyên truyền vận động bà con giữ lại những nét văn hóa đặc trưng dân tộc mình như trang phục truyền thống, cồng chiêng... nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đồng bào gắn với du lịch. Thị trấn cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái hồ Tôn Dung...

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Theo Đề án phát triển du lịch huyện Ba Tơ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực dịch vụ đạt 10%-11%, đến năm 2020 thu hút hơn 250.000 lượt khách đến tham quan du lịch Ba Tơ. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, huyện đã thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư như: hỗ trợ kinh phí về giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuê đất, thuế, đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí vận động thu hút đầu tư. Có chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, ban hành quy chế quản lý du lịch tại các địa bàn có tiềm năng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong và ngoài tỉnh; đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, đầu tư, nâng cấp hệ thống điện nước và công trình công cộng tại các khu du lịch. Ngoài ra địa phương còn nỗ lực duy trì các lễ hội truyền thống, tu bổ các di tích văn hóa lịch sử đã xếp hạng, khôi phục làng nghề truyền thống…

“Xây dựng thương hiệu du lịch Ba Tơ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện trong giai đoạn mới….”, ông Lê Hàn Phong khẳng định.

Tin cùng chuyên mục