Đánh giá học sinh tiểu học sẽ có thêm hình thức “thư khen”

Ngày 10-4, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) để lấy ý kiến xã hội. 
Đánh giá học sinh tiểu học sẽ có thêm hình thức “thư khen”

Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam sẽ triển khai chương trình GDPT mới (chương trình 2018), bắt đầu từ lớp 1. Chương trình này với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục (chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh), có thêm một số môn học/hoạt động giáo dục mới nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần thiết ban hành thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đáp ứng chương trình GDPT mới trên cơ sở kế thừa những ưu việt của quy định hiện hành.

Theo dự thảo mới, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Về những điểm mới căn bản của việc đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, để thống nhất với quy định trong chương trình GDPT tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi đã được chương trình GDPT mới nêu rõ. Đánh giá gồm đủ các hình thức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, cần chú ý đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý, thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong quy định về khen thưởng học sinh, dự thảo mới có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen đối với những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Tin cùng chuyên mục