Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Đánh giá công chức để chi thu nhập tăng thêm: Tránh cào bằng

Theo quy định, chỉ những cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức) làm tốt, làm xuất sắc nhiệm vụ mới được hưởng thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM gần như không có ai ở mức “hoàn thành nhiệm vụ”, càng hiếm người ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”; tất cả đều được đánh giá ở mức… tốt và xuất sắc! 

Việc nương tay, cào bằng, xếp tất cả đều tốt và xuất sắc để nhận thu nhập tăng thêm đã được các chuyên gia cảnh báo ngay từ đầu năm 2018 - khi góp ý đề án liên quan việc đánh giá, xếp loại công chức. Nay, điều cảnh báo lại… thành hiện thực.

Tất cả đều tốt và xuất sắc

Chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức được thực hiện theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM, hiện thực hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Căn cứ cho việc chi trả thu nhập tăng thêm là công tác đánh giá, xếp loại công chức, theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (được chấm từ 80-100 điểm), hoàn thành tốt nhiệm vụ (từ 65 đến dưới 80 điểm), hoàn thành nhiệm vụ (từ 50 đến dưới 65 điểm) và không hoàn thành nhiệm vụ (dưới 50 điểm). Việc đánh giá trải qua 3 bước: công chức tự đánh giá, đồng nghiệp góp ý và cấp trên đánh giá.

UBND TPHCM đã đặt ra ngưỡng chỉ những công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được hưởng thu nhập tăng thêm. Trong đó, năm 2018, người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hưởng hệ số thu nhập tăng thêm mức tối đa là 0,6 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (hệ số năm 2019 là 1,2; năm 2020 là 1,8); người hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng mức tối đa là 80% của trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giờ đây, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành khâu đánh giá, xếp loại cán bộ công chức.

Tại Sở Công thương, quý 2-2018, sở có 137 công chức được đánh giá, xếp loại, thì kết quả có tới 135 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 1 người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng giám đốc sở thuộc quyền đánh giá của Chủ tịch UBND TPHCM nên chưa có kết quả đánh giá. Quý 3-2018, trong 134 người được đánh giá, trừ giám đốc chưa có kết quả đánh giá, toàn bộ 133 người đều… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Cả sở, không có ai ở mức “hoàn thành nhiệm vụ”, càng không có người ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đánh giá công chức để chi thu nhập tăng thêm: Tránh cào bằng ảnh 1 Để chi trả thu nhập tăng thêm công bằng, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức sẽ thực hiện chặt chẽ hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Việc đánh giá công chức được Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận xét là “chính xác, khách quan, đúng quy định”. Rất nhiều đơn vị trực thuộc sở đều có tỷ lệ 100% công chức hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí 100% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tương tự, nhiều sở, ngành cũng có tỷ lệ “tốt và xuất sắc” rất cao. Sở GD-ĐT có hơn 91% người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gần 7% hoàn thành tốt, không có trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ trong quý 2 và quý 3-2018. Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) có tổng số 853 công chức. Quý 2-2018, sở có 538 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 309 người hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hàng loạt các phòng, trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở VH-TT có tỷ lệ 100% công chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thậm chí, báo cáo của Thư viện Khoa học tổng hợp chỉ thể hiện 2 kết quả phân loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bỏ hẳn 2 mức còn lại.

Rất khó “thoát” mức xuất sắc

Tại Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (Sở Công thương), trong 23 công chức được đánh giá vào quý 2-2018 thì có 21 người hoàn thành xuất sắc, 2 người hoàn thành tốt; quý 3-2018, trong 25 người được đánh giá, có đến 24 người hoàn thành xuất sắc, chỉ “lẻ loi” 1 người hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Hoàng Thọ Vương, Giám đốc trung tâm, phân tích: Trong chấm điểm công chức, thang điểm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” rất rộng (từ 80-100 điểm) nên rất dễ lọt vào mức này. Ông Vương cũng nhìn nhận là có tình trạng nể nang khi đánh giá: “Có một số người không làm tốt công việc bằng những người khác nhưng vẫn tự đánh giá và được đồng nghiệp đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mọi người còn ngại đánh giá “thẳng tay”, ngại cho điểm ở dưới mức tốt và xuất sắc, vì ngại người được đánh giá ý kiến ngược lại, mất đoàn kết nội bộ”.

Kết quả gần như tất cả hoàn hảo cũng khiến ông Vương trăn trở, bởi ý nghĩa của việc thi đua bị mai một; chưa thực sự ghi nhận, trân trọng và công bằng với những người thật sự xuất sắc; cũng chưa đánh giá chuẩn xác người chưa làm việc hiệu quả.

Biên độ khoảng cách giữa mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Sở VH-TT, cũng là chưa hợp lý. Trăn trở về điều này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho rằng “đánh giá kiểu gì cũng vẫn rơi vào 80 điểm trở lên, vẫn là xuất sắc”.

Ông Nhân chia sẻ, 2 mục đầu tiên về “ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức” và “năng lực và kỹ năng”, đa số mọi người đánh giá tối đa (50 điểm). Riêng mục quan trọng “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ” (50 điểm), mọi người cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều.

“Cứ ví dụ thang điểm là 10, cả năm làm nhiều như thế, không lẽ chấm 6 điểm? Chấm 8 điểm thì lên mức xuất sắc rồi. Nhưng nếu chấm xuống mức 7 điểm (tương ứng khoảng 40 trong tổng số 50 điểm) thì quy ra cuối cùng… vẫn là xuất sắc (40 điểm + 50 điểm). Tỷ lệ xuất sắc nhiều là vì thế”, ông Nhân giải thích.

Nhiều cơ quan, đơn vị phản ánh thủ tục đánh giá, xếp loại công chức còn rắc rối, giấy tờ quá nhiều và tốn thời gian; nhiều tiêu chí đánh giá theo định tính, độ chính xác không cao. Các đơn vị đề nghị thành phố cần đơn giản hóa việc đánh giá công chức từng quý; thống nhất một quy định chung về các tiêu chí đánh giá, phân loại công chức theo từng ngành và từng đối tượng cụ thể sao cho phù hợp tính chất công việc; thang điểm mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ nên từ 90-100 điểm, còn 80-90 điểm là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Sở VH-TT TPHCM, việc đánh giá và phân loại theo hiệu quả công việc kết hợp chi trả thu nhập tăng thêm theo hệ số bậc lương, phụ cấp chức vụ ít nhiều gây băn khoăn trong công chức, nhất là người trẻ, chưa có thâm niên. Trong thực tế, có những người trẻ thể hiện được năng lực xuất sắc, hiệu quả công việc cao, nhưng khi tính thu nhập tăng thêm theo hệ số lương thì họ được nhận thu nhập tăng thêm thấp hơn những người lớn tuổi, chỉ bởi thâm niên ít hơn.

Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng cho hay, trong ngành y, nhiều điều dưỡng lớn tuổi, hiệu quả công việc không bằng điều dưỡng trẻ, lại lãnh thu nhập tăng thêm cao hơn nhờ thâm niên. Các tiêu chí áp dụng chung đánh giá cho công chức cũng khó cho bệnh viện, dẫn tới tình trạng càng phục vụ nhiều, càng tiếp xúc nhiều với người dân, càng dễ bị trừ điểm, bị đánh giá thấp.

“Bác sĩ, điều dưỡng tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân, số lượng bệnh nhân quá nhiều nên không tránh khỏi có lúc phục vụ chưa tốt, bị bệnh nhân phản ứng và dễ bị trừ điểm. Trong khi đó, có những bộ phận rất ít tiếp xúc với bệnh nhân lại tháng nào cũng được chấm điểm cao”, đại diện Bệnh viện Nguyễn Trãi nêu bất cập.

Ông LÊ MINH TIẾN, Đại học Mở TPHCM: Đánh giá cào bằng thì sự công bằng không còn

Qua thực tiễn áp dụng, việc đánh giá, phân loại công chức đã bộc lộ một số khiếm khuyết có thể dẫn đến việc chi trả thu nhập tăng lên nhưng hiệu quả công việc vẫn không có nhiều cải tiến; hoặc là, cách đánh giá chưa phù hợp dẫn đến mất công bằng giữa các nhóm công chức khác nhau.

Trước hết, dường như khi ban hành cơ chế đánh giá phân loại, chúng ta đã đồng nhất công chức của TPHCM là cùng một nhóm nên đã gây ra những lúng túng trong đánh giá phân loại, cũng không nói rõ về sự khác biệt giữa công chức có biên chế và công chức làm việc theo hợp đồng. Thông thường, những người làm việc theo hợp đồng sẽ có nhiều tính bấp bênh hơn và có thể họ sẽ e ngại khi tự đánh giá về mức độ hoàn thành công việc của mình, dẫn đến ít có khả năng được xếp vào nhóm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Như vậy, có thể đây là một yếu tố tiềm ẩn sự bất công trong đánh giá và chi trả thu nhập tăng thêm.

Điều đáng nói hơn là bộ tiêu chí để đánh giá phân loại công chức chưa cụ thể, không có những chỉ báo minh chứng nên có thể dẫn đến việc đánh giá thiếu chính xác và từ đó, mọi công chức đều có thể được xếp vào loại hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi ấy, thu nhập sẽ tăng thêm nhưng hiệu quả công việc trên thực tế có thể vẫn không thay đổi.

Thiết nghĩ, TPHCM cần nhanh chóng làm rõ sự khác biệt giữa các nhóm công chức và kèm theo đó là những tiêu chí với các chỉ báo (tức chi tiết hóa các tiêu chí) đo lường cụ thể cho từng nhóm. Việc đánh giá phân loại phải có chỉ tiêu cụ thể, đo lường được, bởi nếu không sẽ dẫn đến việc cào bằng, cá mè một lứa, làm mất đi tính công bằng, làm giảm ý nghĩa của việc đánh giá, phân loại công chức, như đang diễn ra.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM: Phải lượng giá, có tinh thần thi đua

Việc đánh giá, phân loại công chức hàng quý để chi trả thu nhập tăng thêm là công việc mới nên có nhiều vấn đề phát sinh. Hiện nay, biên độ điểm của mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất rộng (từ 80-100 điểm) và có tình trạng các đơn vị dù trừ điểm cỡ nào thì người được đánh giá vẫn nằm trong khung “xuất sắc”. Tôi cho rằng, người 81 điểm chắc chắn làm việc không thể hiệu quả, cường độ công việc không bằng người làm việc đạt 90 điểm trở lên. Chênh lệch quá lớn nhưng cả 2 lại cùng nằm trong mức “xuất sắc”.

Để việc đánh giá, phân loại công chức hợp lý hơn và không gây tốn kém thời gian, chi phí văn phòng phẩm, các cơ quan, đơn vị nên áp dụng công nghệ thông tin khi đánh giá, như Sở Nội vụ TPHCM đã hướng dẫn. Các tiêu chí nên được chi tiết hóa, cụ thể hơn cho phù hợp công việc cụ thể ở cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá cần đảm bảo không cào bằng, không phải tất cả đều hoàn thành xuất sắc công việc, mà phải lượng giá, làm sao tạo động lực thi đua tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ ở từng vị trí.

Kết quả đánh giá cần công khai trong cơ quan, đơn vị để việc đánh giá, phân loại công chức đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng, thẳng thắn, giúp công chức thụ hưởng chính sách tốt nhất, công bằng nhất.

Tin cùng chuyên mục