Đăng video hướng dẫn sử dụng ma túy là hành vi bị cấm

Người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Hình ảnh cắt từ một clip với nội dung hướng dẫn sử dụng ma túy từ… bột ngọt và bột mì, đăng trên YouTube gây bức xúc dư luận
Hình ảnh cắt từ một clip với nội dung hướng dẫn sử dụng ma túy từ… bột ngọt và bột mì, đăng trên YouTube gây bức xúc dư luận

* Gần đây, trên YouTube xuất hiện những video hướng dẫn sử dụng ma túy. Hành vi đăng tải những video này có vi phạm quy định pháp luật?

- Theo quy định tại điểm b, điểm đ khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, việc đăng tải các video có nội dung hướng dẫn sử dụng ma túy là hành vi bị cấm, lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động tệ nạn xã hội hoặc thực hiện hành vi quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm.

Luật An ninh mạng 2018 cũng quy định đây là hành vi bị cấm về an ninh mạng, sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. 

Trong trường hợp hành vi tuyên truyền hình ảnh sử dụng ma túy nhằm mục đích rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì sẽ vi phạm quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015.

Căn cứ vào nhiều yếu tố, mức phạt tù thấp nhất của tội này là 1 năm và cao nhất là tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.

Các video hướng dẫn sử dụng ma túy được đăng tải trên nền tảng của mạng xã hội YouTube, vì vậy cũng phải xét đến trách nhiệm của YouTube trong việc này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 38/2016/TT-BTTT, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Nếu có hành vi vi phạm quy định pháp luật thì sẽ có nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng. Theo đó Bộ Thông tin - Truyền thông có quyền xem xét các nội dung trên YouTube để xác định các thông tin vi phạm và tiến hành gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập.

Tin cùng chuyên mục