Đằng sau những con số

Kinh tế Việt Nam trong năm 2019 thực sự đã tăng trưởng, không chỉ số lượng, mà cả về chất lượng. Khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4 dần được thu hẹp.

Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương ngày 30-12 vừa qua, “tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được”. Trong 67 mục tiêu đặt ra đến năm 2020, đến nay mới có 27 mục tiêu hoàn thành (chiếm 40,3%), 23 mục tiêu có khả năng hoàn thành (chiếm 35,8%) và 17 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành (chiếm 23,9%). Điều này có nghĩa là chúng ta mới chỉ chắc chắn đạt được gần một nửa số mục tiêu.

Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam nở rộ doanh nghiệp (DN) thành lập mới đến thế. Quy mô vốn đăng ký và số lao động cũng đạt mức kỷ lục. Có tới 138.100 DN được “khai sinh”. Tổng số lao động đăng ký là 1.254.400 lao động. Như vậy, số DN thành lập mới tăng 5,2%, nhưng vốn đăng ký tăng tới 17,1% và số lao động tăng 13,3% so với năm trước. DN khai sinh mới cũng đã “nặng ký” hơn, với số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Nếu tính cả gần 2,3 triệu tỷ đồng từ việc 40.000 DN đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là hơn 4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 39.400 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177.500 DN.

Nhưng, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Cũng trong năm 2019, đã có 28.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 5,9% so với năm 2018. Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 43.700 DN, tăng 41,7%, trong đó có 17.700 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 16.800 DN, tăng 3,2%.

Công nhận thực tế “sinh nhiều, nhưng ra đi cũng lắm”, đồng thời chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó chưa thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Mô hình tăng trưởng mặc dù có thay đổi nhưng còn chậm so với yêu cầu và chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cấp chuỗi giá trị theo hướng ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Các nguồn lực của nền kinh tế, đặc biệt là lao động, vốn và tài nguyên, chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận, có ít, thậm chí rất ít DN thuộc loại tỷ USD của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ, mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản. Tương tự, dù tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm của Việt Nam trong năm qua rất đáng ghi nhận thì vẫn còn có một điều rất đáng trăn trở: chất lượng lao động - việc làm.

Chuyên gia kinh tế lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Valentina Barcucci, nhận định: “Việt Nam không cần thêm quá nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất thấp, tuy nhiên, chất lượng việc làm lại đang là một thách thức”. Một số liệu thống kê đáng chú ý: có tới 54% người lao động đang làm những công việc được coi là “dễ bị tổn thương”, với đặc thù là thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh. Thống kê mới nhất về phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Bộ LĐTB-XH cho thấy, 53% số việc làm trên cả nước là việc làm kỹ năng trung bình; chỉ 12% đòi hỏi kỹ năng cao; số còn lại là việc làm kỹ năng thấp. Để thực sự trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế, trong đó, cải thiện chất lượng việc làm phải là một trong những ưu tiên quan trọng.

Những số liệu thống kê trên cho thấy, dẫu kéo dài và giòn giã bao nhiêu, thì cũng đến lúc những tràng vỗ tay ngừng lại. Bởi những người có trách nhiệm sẽ phải đứng lên, bắt tay vào thực hiện những kế hoạch mới, cho một năm mới, thập niên mới. Và bây giờ là đúng thời điểm cho sự thay đổi mang tính lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục