Đang hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để VietinBank được tăng vốn

Sáng 23-5, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020.
Lãnh đạo VietinBank đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận nhằm tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có
Lãnh đạo VietinBank đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận nhằm tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có

Tính đến 31-12-2019, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank đạt 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018 và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2019 đạt 11.461 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.781 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch; thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 37,4% so với 2018; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,2%.

Theo lãnh đạo VietinBank, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 là thực hiện có kết quả toàn diện các nhiệm vụ đề ra tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, cải thiện hiệu quả sinh lời, tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh doanh, cơ cấu khách hàng, chú trọng quản lý chất lượng tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu. Cùng với đó là thực hiện phương án tăng vốn điều lệ, khai thác tối đa các biện pháp để tăng vốn tự có như: lợi nhuận tích lũy nội bộ, chia cổ tức bằng cổ phiếu, đề xuất phát triển các kênh tăng vốn mới, phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng và cơ cấu tài sản có rủi ro… Hiện việc tăng vốn đang được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới.

Kể từ đầu năm 2020, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn mực vốn quốc tế Basel II. Do đó, theo lãnh đạo VietinBank, yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn: tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%. Trước đó, năm 2019, VietinBank đã phát hành hơn 5.500 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp, bán danh mục đầu tư trái phiếu thứ cấp, thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty mà VietinBank góp vốn.

Về cổ tức, sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ theo quy định, đại diện lãnh đạo VietinBank đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận nhằm tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Phương án cụ thể chia cổ tức sẽ được thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2020, VietinBank đặt ra các mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh như: dư nợ tín dụng tăng 4%-8,5%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, dự kiến 5-10%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 2%...

Chia sẻ về chiến lược hành động và tiềm năng, triển vọng của VietinBank trong các năm tới, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, để thực hiện có kết quả chiến lược kinh doanh, ngân hàng đã và đang phát triển nền tảng công nghệ thông tin hiện đại bậc nhất trong hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh số hóa hoạt động và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu; tiếp tục cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với các doanh nghiệp và cá nhân…

Năm 2020, VietinBank tiếp tục nằm trong Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới. Mới đây, tại lễ công bố kết quả và trao Danh hiệu Sao Khuê 2020, hai dịch vụ ngân hàng điện tử của VietinBank tiếp tục đạt Sao Khuê là VietinBank eFAST (lần 2) và VietinBank iPay Mobile (lần 3). Đặc biệt, VietinBank iPay Mobile là đại diện duy nhất ngành ngân hàng lọt vào Top 10 Sao Khuê 2020.

Tin cùng chuyên mục