Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng

Hòa Phước là xã đồng bằng của huyện Hòa Vang, có diện tích tự nhiên trên 686,2 ha, trong đó đất nông nghiệp 271,5 ha, đất phi nông nghiệp trên 422,3 ha. Dân số toàn xã trên 12.600 người, được chia thành 10 thôn với 57 khu dân cư. Dọc trung tâm xã có tuyến QL 1A, đường Phạm Hùng, đường vành đai phía nam thành phố nối xã Hòa Phước với quận Ngũ Hành Sơn và nhiều tuyến giao thông gắn kết với đông và tây các xã huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn (Quảng Nam)… tạo nhiều thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế xã hội.

Là xã cửa ngõ phía nam TP Đà Nẵng, những năm qua, Hòa Phước chịu tác động lớn của quá trình đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần nhường chỗ cho các công trình, dự án, quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố. Một bộ phận lớn người dân đã chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang thương mại, buôn bán, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đến nay, tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hòa Phước là 865 hộ.

Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng ảnh 1 Đại hội Đảng bộ xã Hòa Phước nhiệm kỳ 2020 - 2025
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 16,7%. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất đạt trên 625 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 93,5 tỷ đồng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp 311,4 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ trên 220,2 tỷ đồng. Kinh tế của xã có bước phát triển tương đối toàn diện, làm thay đổi hẳn diện mạo một vùng quê vốn thuần nông.
Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng ảnh 2 Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ xã
Ông Trần Bùi Quốc Bình – Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, cơ cấu kinh tế xã chuyển dịch phù hợp với sự chuyển dịch chung của huyện, thành phố. Phát huy lợi thế 2 chợ hiện có là Chợ Mới Ba xã và chợ Miếu Bông, lãnh đạo xã đã quyết định đầu tư theo hướng văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu giao thương buôn bán.

Xã có những trục đường lớn đi qua: QL1A, tuyến đường Hòa Phước – Hòa Khương nối xã với vùng phía Tây Hòa Vang, tuyến đường Phạm Hùng nối xã với các phường thuộc quận Cẩm Lệ… nên hoạt động thương mại - dịch vụ không ngừng phát triển; từng bước hình thành hệ thống các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kho bãi, showroom ô tô.

Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng ảnh 3 Đúc Đại hồng chung cho Nghĩa trang Liệt sĩ xã do các nghệ nhân Hòa Phước thực hiện
Giá trị ngành nghề - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Nhiều loại hình doanh nghiệp, công ty, tổ hợp tác được hình thành; các nhà máy sản xuất gạch tuy-nen, gạch block hàng năm cung cấp cho thị trường trên 16 triệu viên; các doanh nghiệp gia công may mặc, xây dựng, cơ khí, sửa chữa ô tô giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và vùng lân cận, với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/ người/tháng. Xã Hòa Phước cũng là địa phương đầu tiên của huyện Hòa Vang thành lập Hội Doanh nghiệp xã với gần 60 doanh nghiệp.
Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng ảnh 4 Lễ phát động "Năm môi trường, trật tự đô thị và cải cách hành chính" trên địa bàn xã
Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm, với các mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế rất lớn, như: mô hình lúa gạo hữu cơ, sản xuất rau sạch, rau công nghệ cao, mô hình nuôi chim cút thôn Trà Kiểm, mô hình trồng hoa tại làng hoa Nhơn Thọ, bên cạnh duy trì sản xuất hoa cúc truyền thống, diện tích sản xuất các loại hoa lan cắt cành, lan rừng tiếp tục mở rộng, từ 1500m² lên gần 5000m². Tập trung cải tạo vườn tạp, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả, cây cảnh góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Song song với đó, xã từng bước sắp xếp lại chăn nuôi theo hướng giảm dần gia trại gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đảng Bộ xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng): Chuyển dịch kinh tế đúng hướng ảnh 5 Làng hoa công nghệ cao Nhơn Thọ
Ông Võ Trần Minh Long, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, lợi thế đáng kể nhất là tinh thần đoàn kết, tính đồng thuận cao từ Đảng ủy, chính quyền, các hội đoàn thể cho đến từng người dân trong xã, vì thế những chủ trương, chính sách mới đều thực hiện rất hiệu quả. Xã Hòa Phước là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện Hòa Vang năm 2014, thôn Trà Kiểm là thôn đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt thôn kiểu mẫu NTM năm 2017. Xã đang tiếp tục xây dựng các thôn kiểu mẫu khác như Tân Hạnh, Nhơn Thọ 1,2, Giáng Nam 1. Xã cũng đầu tư xây dựng được 21 vườn mẫu hộ gia đình, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thu nhập bình quân người dân của xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Võ Trần Minh Long, việc UBND TP Đà Nẵng chọn Hòa Phước làm địa điểm đầu tư xây dựng trung tâm logistics, khu phức hợp dịch vụ thương mại ô tô, kho vận, kho bãi với diện tích  trên 24 ngàn m² và chợ đầu mối nông sản lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, diện tích trên 309 ngàn m², tổng vốn đầu tư 817 tỷ đồng, quý 4/2020 sẽ khởi công… đã chứng tỏ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã đúng hướng, lấy thương mại - dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của xã; tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM, trong đó tập trung thực hiện các tiêu chí giao thông, tổ chức sản xuất và thu nhập. Phấn đấu nhiệm kỳ 2020-2025 đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, 40% thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 95 triệu đồng/người/năm.

Tin cùng chuyên mục