Dân tụ tập phản đối chính quyền cho doanh nghiệp nạo vét cát

Ngày 9-1, hàng trăm người dân thôn Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã tụ tập phản đối, ngăn cản việc chính quyền địa phương cho doanh nghiệp nạo vét khơi dòng Khe Gai...

Dân làng phải trồng bói, trồng tre nhưng chẳng ăn thua gì khi sông bị khai thác cát quá nhiều, làng quê sạt lở
Ông Nguyễn Cao Vinh, người dân thôn Giảng Hòa phản ánh, việc khai thác này dân hoàn toàn không biết, chính quyền tự ý làm nên bà con phải ngăn cản. “Nếu chúng tôi không đấu tranh, cây cầu sẽ sụp đổ do múc cát và xe tải chạy qua lại chở cát, xã phải ngưng chuyện này lại”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, bao năm nay thôn Giảng Hòa như một “hòn đảo” bị cô lập với bên ngoài, khổ trăm bề. Để tồn tại sinh sống, dân làng phải trồng bói, trồng tre nhưng chẳng ăn thua gì vì sông bị khai thác cát quá nhiều, làng quê sạt lở, người dân phải di dời sang nơi khác, nhưng đất cũ quê xưa phải về canh tác làm ăn.
Dân tụ tập phản đối chính quyền cho doanh nghiệp nạo vét cát ảnh 2 Hàng trăm người dân thôn Giảng Hòa tụ tập dựng cờ phản đối, ngăn cản việc chính quyền địa phương cho doanh nghiệp nạo vét khơi dòng Khe Gai
Năm 2016, nhà nước cho xây cây cầu bắt qua Khe Gai để người dân đi lại làm ăn, ai cũng vui mừng khôn xiết, nhưng bây giờ xã tự tiện cho khai thác, nạo múc cát sát chân cầu khiến người dân bức xúc và lo lắng.
“Họ đào lấy cát sát tận cây cầu nên mấy ngày nay, ai cũng bỏ công ăn việc làm ra đây đấu tranh, UBND xã chỉ cách mấy trăm mét nhưng không có ai đến, điện thoại thì không bắt máy, kiểu như giả ngơ muốn né tránh”, ông Vinh  phản ánh.
Dân tụ tập phản đối chính quyền cho doanh nghiệp nạo vét cát ảnh 3 Việc xã Đại Thắng tự tiện khai thác, nạo múc cát sát chân cầu khiến người dân bức xúc và lo lắng

Dự án khơi thông dòng chảy Khe Gai và kênh tiêu nội đồng trên địa bàn xã Đại Thắng do Phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc làm chủ đầu tư. Tổng giá trị các gói thầu trên 700 triệu đồng, đơn vị thi công Công ty TNHH Duy Phước (Đại Lộc), thời gian thực hiện 30 ngày.   

Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân khẳng định, nạo vét khai thông Khe Gai thực chất là tận thu nguồn cát nơi đây chở đi nơi khác tiêu thụ. Ông Huỳnh Đến, Trưởng thôn Giảng Hòa cho biết, ngay từ đầu, khi xã làm việc với Ban nhân dân thôn, ông đã không đồng tình với việc nạo vét này vì đất thôn Giảng Hòa chủ yếu đất cát, nếu nạo vét dễ gây xói lở hai bên bờ, nhưng chủ tịch UBND xã Đại Thắng cam kết là mục đích chủ yêu giải quyết khai thông dòng chảy để khỏi ô nhiễm môi trường khu vực. Đồng thời, cát múc lên sẽ san lấp hai bên bờ, không tận thu bán nơi khác.

“Họ nói vậy, nhưng đơn vị thi công lại làm cách khác. Người dân yêu cầu phải trả lại mặt bằng như trước vì đây là việc làm sai”, ông Đến kiến nghị.

Dân tụ tập phản đối chính quyền cho doanh nghiệp nạo vét cát ảnh 4 Người dân cũng đấu tranh vì sợ xe chở cát chạy qua lại gây sập cầu

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, khơi thông dòng chảy là vấn đề bức xúc của thôn và đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp của HĐND cấp xã do ứ đọng ô nhiễm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị thi công đã làm không đúng như phương án ban đầu nên gây phản ứng không tốt cho người dân. “UBND đã cho đình chỉ việc nạo vét và giao cho đơn vị thi công khắc phục san lấp lại mặt bằng như ban đầu trước khi họp dân lấy ý kiến thống nhất”, ông Hải cho biết.

Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc quả quyết, việc khơi thông chủ yếu tạo dòng chảy chính cho Khe Gai chứ không vì khai thác cát hay mục đích gì khác. Dự án cũng đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí thực hiện.

“Tôi thấy mục đích việc khai dòng này là tốt và sẽ được sự đồng tình của dân nhưng đến khi triển khai thì dân suy nghĩ, lo lắng khác nhau nên phản ứng. Quan điểm của huyện là không khai thác hoặc lấy bất cứ cái gì nơi đây. Bây giờ, nếu dân không đồng tình huyện sẽ dừng lại không làm, sau này có dự án nào lớn thì làm luôn thể”, ông Khánh nói.

Tin cùng chuyên mục