Dàn nhạc giao hưởng của Rumani sang biểu diễn với nghệ sĩ Việt Nam

Đại sứ Rumani tại Việt Nam Cristina Romila cho biết, lần đầu tiên dàn nhạc giao hưởng Bucharest Symphony Orchestra của Rumani sang Việt Nam để cùng biểu diễn với nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân trong chương trình hòa nhạc đặc biệt, diễn ra một đêm duy nhất ngày 15-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Được thành lập vào năm 2006 bởi Philson Young Association, sứ mệnh của Dàn nhạc Giao hưởng Bucharest là quảng bá âm nhạc và thu hút những người trẻ tuổi đến các phòng hòa nhạc cổ điển. Danh tiếng và sự công nhận giá trị của dàn nhạc đến từ chuỗi các sự kiện âm nhạc ấn tượng được tổ chức ở cả phòng hòa nhạc truyền thống lẫn ngoài trời và những địa điểm công cộng.

Bà Đại sứ Rumani chia sẻ: "Như mọi người đã biết, Rumani là đất nước có nhiều nhà soạn nhạc và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về âm nhạc cổ điển của thế giới. Tôi cũng rất tự hào vì nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân có thể mang dàn nhạc ấy sang Việt Nam biểu diễn cũng như gia nhập gia đình âm nhạc của chúng tôi. Tôi hy vọng Xuân có thể đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với nhiều công chúng và với các bạn trẻ". Nhấn mạnh việc đưa cả một dàn nhạc quốc tế sang Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn không chỉ về giấy tờ mà còn tài chính, song bà Đại sứ tin tưởng với đam mê và nỗ lực của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, Cello Fundamento 6 sẽ rất đặc biệt!.

Dàn nhạc giao hưởng của Rumani sang biểu diễn với nghệ sĩ Việt Nam ảnh 1 NSND Bùi Giang Tường bày tỏ sự ấn tượng khi cô học trò Đinh Hoài Xuân có thể đưa một giàn nhạc giao hưởng về Việt Nam biểu diễn 
Chia sẻ về buổi hòa nhạc đặc biệt này, nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cho biết, những tác phẩm được chọn biểu diễn trong chương trình đều đặc sắc, mang tính chuyên môn và tính nghệ thuật cao nhưng đồng thời cũng rất dễ tiếp nhận, mang những thanh âm trong trẻo có thể làm rung động mọi trái tim ở mọi độ tuổi, ngay cả những người không chuyên về âm nhạc cổ điển.
Những bản nhạc kinh điển được biểu diễn có thể kể đến: khúc mở màn The marriage of Figaro (Đám cưới Figaro) của Mozart, tác phẩm của nhà soạn nhạc Rossini viết cho Clarinet, những bản valse nổi tiếng thế giới như The blue Danube (Sông Danube xanh) của vua nhạc waltz Johann Strauss II hay Waves of the Danube (Sóng Danube) do nhà soạn nhạc người Romania Iosif Ivanovici sáng tác… Điểm đặc sắc không thể không nhắc tới trong chương trình là sự xuất hiện của những bản nhạc phim nổi tiếng gắn liền với những kiệt tác điện ảnh như The Godfather, Schindler's list, Cinema Paradiso, giúp khán giả có những trải nghiệm sống động, thể hiện sự kết nối giữa âm nhạc và điện ảnh, qua đó truyền đi thông điệp của Cello Fundamento về khả năng phổ biến và lan toả của âm nhạc cổ điển.
Dàn nhạc giao hưởng của Rumani sang biểu diễn với nghệ sĩ Việt Nam ảnh 2 Tác phẩm dân gian Việt Nam năm nay sẽ là điểm nhấn của chương trình
Như thường lệ, cuối mỗi chương trình Cello Fundamento là một màn trình diễn các ca khúc dân ca Việt Nam đã được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Các nghệ sĩ sẽ trình diễn các tác phẩm chuyển soạn từ các bản dân ca như Còn duyên, Bắc kim thang, Đi cấy và Bèo dạt mây trôi. Đây là món quà nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân gửi đến công chúng, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh nền âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Giải đáp câu hỏi về việc dàn nhạc Rumani có chơi các tác phẩm của Việt Nam hay không? Làm thế nào Đinh Hoài Xuân thuyết phục được các nghệ sĩ của dàn nhạc quốc tế chơi tác phẩm Việt Nam?, nữ cello cho biết chính những người bạn Rumani đã phối khí tác phẩm Bắc Kim Thang Còn duyên. "Những năm trước bao giờ hoà nhạc cũng kết thúc bằng 1 tác phẩm dân ca Việt Nam. Năm nay chúng tôi có đầu tư thêm, chính sự đầu tư này nên các nghệ sĩ quốc tế rất háo hức. Chính những người bạn Rumani đã phối khí 2 tác phẩm Việt Nam cho dàn nhạc và cho nghệ sĩ solo của Rumani biểu diễn. Đó là sự tự nguyện của dàn nhạc và họ cảm thấy rất thích thú", nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân kể.

Dàn nhạc giao hưởng của Rumani sang biểu diễn với nghệ sĩ Việt Nam ảnh 3 Cello Fundamento 6 là hoạt động kỷ niệm 72 năm quan hệ song phương giữa Rumani và Việt Nam
Trong chương trình hòa nhạc này nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí 2 tác phẩm là Đi cấyBèo dạt mây trôi. Ca sĩ Tân Nhàn là người trực tiếp thể hiện tác phẩm cuối cùng. Tác phẩm cuối cùng có hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn. "Biểu diễn những tác phẩm Việt Nam với dàn nhạc quốc tế là một điều vui sướng và tự hào đối với Tân Nhàn. Đây là phần biểu diễn mà tôi rất mong chờ bởi chất lượng nghệ thuật và ý nghĩa đặc biệt của chương trình", nữ nghệ sĩ dòng nhạc dân gian trữ tình thổ lộ. 

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân cũng cho biết, với mong muốn đem âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, toàn bộ lợi nhuận của Cello Fundamento 6 đều dành để trao học bổng cho các tài năng âm nhạc trẻ và sử dụng cho những dự án âm nhạc vì cộng đồng của tổ chức Cello Fundamento, điển hình trong đó là dự án “Một triệu bàn tay chạm cello” – đem tiếng đàn cello đến các trường học trên khắp cả nước.

Tin cùng chuyên mục