Dân khổ sở vì dự án dang dở

Qua Đường dây nóng Báo SGGP, người dân phản ánh tại các tỉnh miền Trung, Tập đoàn FLC có nhiều dự án với diện tích lên đến hàng ngàn hécta. Bên cạnh các dự án có tín hiệu đầu tư khả quan ở Thanh Hóa, TP Quy Nhơn (Bình Định), có rất nhiều dự án đầu tư nhỏ giọt, liên tục điều chỉnh hoặc bỏ hoang nhiều năm, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và địa phương.
Sau nhiều năm triển khai, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long mới chỉ làm được một cái cổng. Ảnh: DUY CƯỜNG
Sau nhiều năm triển khai, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long mới chỉ làm được một cái cổng. Ảnh: DUY CƯỜNG

Dự án bỏ hoang

Đầu tháng 3-2018, Tập đoàn FLC đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi về việc đầu tư quần thể đô thị du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái FLC Lý Sơn - Bình Châu với tổng diện tích ban đầu khoảng 3.890ha, trên địa bàn 5 xã trong huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Bé (đảo Lý Sơn). Chỉ trong tháng 3-2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có 9 văn bản chỉ đạo, lập tổ giúp việc, hỗ trợ FLC xúc tiến dự án, nhưng khi dự án hình thành thì tiến độ lại ì ạch.

Ông Phạm Văn Xuyến, Phó Chủ tịch xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), cho biết, phía Tập đoàn FLC có bồi thường cho một ít hộ dân để giải phóng mặt bằng, đưa máy ủi đến làm được mấy hôm rồi bỏ hoang đến nay.

“Hiện nay, FLC thuê 3 người dân ở thôn An Cường (xã Bình Hải) đến giữ diện tích đất mà doanh nghiệp này đã bồi thường, không cho người dân đến canh tác. Còn lại số diện tích chưa bồi thường thì người dân vẫn canh tác, khiến xã rất lúng túng”, ông Xuyến nói.

Sau nhiều lần điều chỉnh, đổi tên, đổi chủ, đến nay, sau 6 năm triển khai, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC ở đảo Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) rộng 99ha vẫn như núi băng bất động.

“Dù đã được tỉnh giao đất khá lâu, nhưng đến nay chủ đầu tư chỉ làm căn nhà để canh giữ, ngoài ra chẳng thấy đầu tư gì. Mấy năm qua, doanh nghiệp làm gì chúng tôi cũng không biết được, do họ chẳng tham mưu hay hỏi ý kiến, báo cáo gì với chính quyền địa phương”, ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã đảo Nhơn Châu (đảo Cù Lao Xanh), cho biết.

Tương tự, dù đã triển khai hơn 4 năm nhưng hình hài hiện tại của dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC - Hà Tĩnh chiếm trên 240ha đất tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chỉ là bãi cát với cỏ dại hoang vu, người dân tận dụng làm nơi thả trâu bò. Theo ghi nhận, tại khu vực nhà điều hành dự án, nhiều phòng cửa đóng im lìm. Cảnh đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng trái ngược với những cam kết ban đầu của Tập đoàn FLC. Cuối tháng 1-2018, khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Tập đoàn FLC hứa hẹn sẽ đầu tư vùng nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, cơ giới hóa (công nghệ Israel) để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu đi các nước khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Australia.

Trong khi đó, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư khởi công từ tháng 9-2015 tại tỉnh Thanh Hóa với quy mô 286ha (2.300 tỷ đồng) bao phủ lên 6 xã, phường ở TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, nhưng nay vẫn như một bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Vào năm 2015, Tập đoàn FLC từng hứa hẹn sau khi hoàn thành, khu công nghiệp này sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động đa ngành nghề...

Trăm khổ đổ đầu dân

Ông Thới Văn Kim, Bí thư Chi bộ thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhớ lại, thời điểm Tập đoàn FLC về ven biển Bình Sơn để đầu tư dự án thì dân làng trong vùng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nhưng lại lo chuyện đi hay ở, sinh kế của dân như thế nào. Sau khi FLC đầu tư dự án, đất đai ở các vùng cửa biển Bình Châu, Bình Hải, dọc xã Bình Trị đến Bình Châu tăng giá phi mã, tạo ra cơn “sốt đất” chưa từng thấy. Lúc ấy, cò đất và người dân đổ đến “ôm đất” rất nhiều để đón dự án, nhiều người vay tiền ngân hàng để mua.

“Tuy nhiên, dự án “vẽ” ra rồi cứ chây ì, kéo dài nhiều năm chẳng thấy làm gì. Đời sống người dân có lúc bị đảo lộn, canh tác cầm chừng, nhà cửa nhiều nơi không cho xây dựng, sửa chữa hay chia tách đất cho con cái được vì vướng dự án”, ông Kim nói.

Ngước nhìn đồng ruộng bạt ngàn đang bỏ hoang vì vướng dự án, bà Nguyễn Thị Hinh (65 tuổi, xã Bình Tân Phú, Bình Sơn, Quảng Ngãi) tâm sự: “Ngày FLC nói đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng hàng ngàn hécta, dân đây cũng ngóng lắm. Nhưng họ triển khai rầm rộ thời gian, sau đó người mua bán đất khắp nơi, đất cứ tăng cao từng ngày khiến dân chúng tôi rất nóng ruột”.

Tương tự, nghe đến dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long, ông Lê Văn Mai, người dân thôn 6, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) ngao ngán: “Người dân chúng tôi đồng thuận nhường đất cho dự án với mong muốn dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt quê hương, nhưng thay đổi đâu không thấy chỉ thấy tiếc, thấy xót xa cho bờ xôi ruộng mật của mình”. 

Tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh), ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã, cũng ngán ngẩm khi nhắc đến Khu nông nghiệp công nghệ cao FLC - Hà Tĩnh. Mang danh như vậy, nhưng chủ yếu FLC chỉ thuê công nhân trồng trụ thanh long cho có, còn lại bỏ hoang. Theo ông Thái, đa số diện tích đất giao cho FLC làm khu nông nghiệp công nghệ cao đều là đất cát ven biển. Trước đây, đất này sản xuất rau củ quả rất ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao.

“Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân và lãnh đạo xã đã liên tục kiến nghị cấp trên “xin” lại ít diện tích đất từ dự án để chia cho người dân canh tác, nhưng đến nay chưa có kết quả gì”, ông Thái thở dài.

Nhiều người sập bẫy

Cuối tháng 6-2019, Tập đoàn FLC khởi công siêu dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở xã Bình Phú (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) quy mô 1.026ha, tổng vốn 11.000 tỷ đồng. Sau sự kiện động thổ, xuất hiện hàng hoạt thông tin, tờ rơi rao bán đất nền dự án khắp nơi, với giá khởi điểm từ 1,5-7 tỷ đồng/lô, tùy theo loại. Nhiều sàn giao dịch bất động sản, trong đó có chi nhánh FLC Home miền Trung, công khai nhận đặt cọc dự án đô thị FLC Quảng Ngãi. Nhiều người dân đã sập bẫy khi trao tiền cọc để mua đất, nhưng sau đó không nhận được đất, đành gửi đơn tố cáo đến công an.

Tin cùng chuyên mục