Đắn đo với môn học tự chọn ở lớp 10

Niềm vui trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập kéo dài chưa lâu thì phụ huynh và học sinh lại đang đứng trước bài toán “cân não”: lựa chọn tổ hợp môn học.
Phụ huynh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) tham gia tư vấn chọn tổ hợp môn học lớp 10, sáng 14-7
Phụ huynh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) tham gia tư vấn chọn tổ hợp môn học lớp 10, sáng 14-7

Nhiều phương án tổ hợp môn học

Ngày 14-7, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) tổ chức buổi tư vấn cho phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 năm học 2022-2023. Tại đây, nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm là việc đăng ký các môn tự chọn ngoài 8 môn học bắt buộc theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. 

Một giáo viên phụ trách tư vấn cho biết, bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục THPT trao quyền cho người học lựa chọn các môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, học sinh sẽ chọn một trong 4 nhóm ngành gồm: Khoa học công nghệ STEM, Khoa học công nghệ STEAM, Khoa học xã hội và Khoa học xã hội - nghệ thuật. Sau khi xác định nhóm ngành phù hợp, học sinh tiếp tục chọn các chuyên đề học tập theo định hướng các môn thi đại học, cao đẳng gồm Toán - Vật lý - Hóa học (khối A), Toán - Hóa học - Sinh học (khối B), Toán - Vật lý - Ngoại ngữ (khối A1), Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ (khối D), Toán - Hóa học - Ngoại ngữ (khối D7), Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý (khối C). Ngoài ra, trong số 9 môn tự chọn nhà trường triển khai trong năm học này, học sinh phải chọn 5 môn theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên 1, ưu tiên 2 để phục vụ cho công tác xếp lớp. 

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) cho học sinh đăng ký tổ hợp môn tự chọn theo 2 nguyện vọng: Đăng ký nguyện vọng ưu tiên 1, ưu tiên 2 để trường tổ chức xếp lớp theo thứ tự nguyện vọng. Nguyên tắc xếp lớp dựa trên kết quả học tập năm lớp 9 của học sinh. Trong khi đó, Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức) ưu tiên xếp lớp các môn tự chọn và chuyên đề học tập theo thứ tự đăng ký của học sinh. Cụ thể, học sinh nào đăng ký nguyện vọng sớm sẽ được ưu tiên xếp lớp. Khi đã đủ số lượng học sinh đăng ký ở một môn học hoặc chuyên đề học tập, những học sinh còn lại sẽ được thông báo đăng ký bổ sung môn học hoặc chuyên đề học tập khác dựa trên cơ sở tình hình giáo viên thực tế của nhà trường. 

Một cách làm khác, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) quy định sẵn 4 tổ hợp môn học theo hai định hướng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó mỗi nhóm tổ hợp gồm 3 chuyên đề học tập và 5 môn tự chọn. Học sinh và phụ huynh sau khi được giáo viên chủ nhiệm tư vấn, giải đáp thắc mắc sẽ tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ nhập học vào ngày 19-7.

Phụ huynh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) tham gia buổi tư vấn chọn tổ hợp môn học lớp 10 vào sáng 14-7

Cân nhắc kỹ trước khi chọn tổ hợp      

Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) Bùi Minh Tâm cho rằng, cơ sở để học sinh lựa chọn tổ hợp môn học là đánh giá năng lực của bản thân, đam mê, sở thích cá nhân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Mặc khác, theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nếu học sinh có sở trường về các môn tự nhiên thì chọn tổ hợp phù hợp định hướng nghề nghiệp, ngược lại nếu nghiêng về các môn xã hội cũng cần cân nhắc tổ hợp. “Phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tổ hợp môn học, tránh thay đổi gây xáo trộn lớp và thiệt thòi cho chính học sinh”, bà Dung cho biết. 

Nhiều phụ huynh băn khoăn, sau một thời gian học, học sinh cảm thấy không phù hợp thì có thể thay đổi môn học không? Đại diện Trường THPT Trưng Vương cho biết, nhà trường không giải quyết các trường hợp thay đổi môn học vào giữa năm học. Việc thay đổi môn học nếu có chỉ được xem xét vào cuối năm học, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi học sinh do các em phải học bù kiến thức của môn học không đăng ký trong năm lớp 10. Ngoài ra, các trường cũng lưu ý học sinh không chọn môn học theo ngành “hot” hoặc tâm lý số đông mà nên căn cứ vào năng lực, sở trường thực tế để có kết quả học tập tốt nhất. 

Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT chưa công bố định hướng công nhận chuẩn đầu ra đối với lứa học sinh theo học chương trình mới, nhiều phụ huynh lo ngại việc phải chọn tổ hợp môn học sớm khiến học sinh gặp khó khăn khi phải “ôm” suốt 3 năm học. Bên cạnh đó, với cùng định hướng nghề nghiệp, học sinh phải cân nhắc lựa chọn tổ hợp môn học có độ an toàn, có nhiều hướng rẽ ngành, nghề để đảm bảo việc học được tiếp nối ở các bậc học cao hơn. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn sẽ có thêm điều chỉnh trong các năm học tới. Về phía các trường học, việc triển khai các tổ hợp môn học còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế và tình hình nhân sự ở các trường. Vì vậy thời điểm hiện tại, phụ huynh và học sinh không nên bị chi phối quá nhiều bởi các nguồn thông tin mang tính chất dự báo; thay vào đó, cần bình tĩnh xác định rõ định hướng nghề nghiệp của học sinh kết hợp với đánh giá năng lực bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.

Do là năm đầu tiên triển khai đăng ký môn học tự chọn ở lớp 10 nên hầu hết các trường THPT trên địa bàn TPHCM đều tổ chức các buổi tư vấn, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và học sinh trước khi nhận hồ sơ nhập học. Theo kế hoạch, kết quả xếp lớp sẽ được các trường thông báo vào giữa tháng 8-2022.

Tin cùng chuyên mục