Đam mê và gắn kết gia đình

Trong không khí cả thế giới cùng dõi theo trái bóng tròn, với mỗi gia đình, niềm đam mê có thể là một trở ngại cho hạnh phúc. Thế nhưng nếu biết cách, đam mê lại trở thành cầu nối cho những thành viên trong gia đình, nhất là với những đứa con. 
Tự thú của bà mẹ mê bóng đá
Đó là nhan đề cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam đúng dịp World Cup 2018 đang diễn ra tại nước Nga xa xôi. Tác giả của cuốn sách là chị Yudi Nguyễn Bích Trâm (NXB Kim Đồng xuất bản). Nhân vật chính trong truyện là một bà mẹ trẻ, là fan cuồng của quả bóng. Nhưng khác với một số fan cuồng khác bỏ bê tất cả để chạy theo đam mê riêng của mình, tình yêu bóng đá lại là chất keo kết nối vô cùng tuyệt vời giữa cô với chồng và các con. Các buổi xem bóng đá trở thành ngày hội gia đình, là dịp để cô dạy cho các con những kỹ năng sống, cho con được vui chơi, giao tiếp xã hội, nhìn ngắm thế giới.
Đam mê và gắn kết gia đình ảnh 1 Bìa sách Tự thú của bà mẹ mê bóng đá
Tự thú của bà mẹ mê bóng đá tuy được viết theo dạng tản văn nhưng thông qua những câu chuyện rất gần gũi, chân thật như đâu đó trong các gia đình. Tác phẩm như vẽ ra một cách đem đến hạnh phúc cho gia đình khi tìm thấy ở mỗi cá nhân một màu sắc chung để chia sẻ tình yêu. Với gia đình trong cuốn tự truyện này, đó là màu đỏ, màu áo của các tuyển thủ Việt Nam khi thi đấu, đó cũng là màu cờ Tổ quốc tung bay mỗi khi mọi người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. 
Cuốn sách lôi cuốn bạn đọc ngay từ các đề mục: Tuổi trẻ, nếu không từng cuồng nhiệt, thì cũng chẳng có gì để mai sau nhớ về; Quan trọng không phải đi bao xa, mà là đi cùng nhau; Tưởng không vui mà vui không tưởng; Khi hai ta về một nhà và những đứa trẻ được sinh ra… Qua từng chương, tác giả gợi ý cho người đọc các kinh nghiệm để hâm nóng tình yêu thương trong mỗi gia đình thông qua trái bóng: Những lợi ích của việc chia sẻ cùng con sở thích của cha mẹ; 15 cách để phụ nữ tự làm mới bản thân; các lý do vì sao phụ nữ nên xem bóng đá; lời khuyên cho các cô gái muốn làm quen với bóng đá… Nội dung dễ thương đầy khám phá bất ngờ cùng giọng văn dí dỏm, hài hước, Tự thú của bà mẹ mê bóng đá mang đến cho bạn đọc rất nhiều tiếng cười sảng khoái. Bạn cũng sẽ tìm thấy các gợi ý thú vị để vừa có thể là mẹ vừa là chính mình, giữ được sở thích riêng mà vẫn chăm sóc các con thật giỏi, bước vào thế giới riêng của chồng một cách tự nhiên. 
Câu chuyện của những bà mẹ siêu nhân
Không trực tiếp liên quan đến bóng đá nhưng cuốn sách Siêu nhân mẹ không cô đơn lại cũng là hành trình tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc gia đình. Cuốn sách viết về chuyện yêu, cưới, có bầu, sinh con, nuôi con của hai nhà báo nữ trẻ tuổi hiện làm việc tại TPHCM là Nguyễn Thắm (Báo Thiếu Niên Tiền Phong), Cẩm Viên (Báo Mực Tím).
Đam mê và gắn kết gia đình ảnh 2 Hai tác giả trẻ của cuốn sách Siêu nhân mẹ không cô đơn
Sách gồm 4 chương: Chồng già - vợ trẻ chưa hẳn là tiên, Những nhà bầu bí học, Nô tì mã số 24/7/365, Siêu nhân mẹ rối hơn canh hẹ. Bằng giọng văn dí dỏm, sinh động, chan chứa yêu thương, các tác giả đã kể những câu chuyện gia đình vừa rất riêng vừa rất có thể là của chung nhiều phụ nữ: “lăn lộn” chụp ảnh cưới, bỡ ngỡ khi mang bầu, nổ não đặt tên con, đau đớn vượt cạn, ăn uống bất chấp để có sữa mẹ nuôi con, “bế tắc” trong khoản hát ru, trắng đêm khi con khóc, buồn vui theo mỗi bữa ăn, giấc ngủ của con…
Nhịp điệu hối hả đặc trưng của nghề báo hiển hiện khá rõ trong sách qua những câu chuyện về những lần mẹ đi công tác ngang dọc đất nước, đến cả vùng biển đảo xa xôi, về những ngày tháng mẹ hối hả viết tin bài ở tòa soạn mà lòng như lửa đốt vì con ở nhà ré khóc, là những đêm khuya khoắt khi cả nhà đã ngủ say, mẹ vẫn lách cách bên laptop để hoàn thành bài báo sáng mai kịp nộp tòa soạn…
Đam mê và gắn kết gia đình ảnh 3 Cuốn sách Siêu nhân mẹ không cô đơn là hành trình tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc gia đình 
Và cũng như Tự thú của bà mẹ mê bóng đá, cuốn sách cũng chuyển tải một thông điệp về việc gắn kết các thành viên trong gia đình. Có điều sự gắn kết ở đây được thể hiện qua hình ảnh người mẹ khi sinh con với bao nỗi lo mới lạ và nỗ lực vượt qua cảm giác cô đơn trước một sự thay đổi của cuộc đời.  
Cũng vẫn đi theo hướng kết nối giữa các thành viên trong gia đình bằng tình yêu nhưng theo một cách khác, Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương lại gồm những lá thư chứa trọn tâm tình mà bác sĩ - nhạc sĩ Vũ Minh Đức và bác sĩ Trần Thị Hồng An viết cho tình yêu bé nhỏ của họ, từ khi con còn là đứa trẻ bé bỏng mới chào đời, và rồi con dần lớn lên trong vòng tay bố mẹ, đến một lúc nào đó con sẽ trưởng thành. Mỗi lá thư cho con đều được viết với ngôn từ sáng rõ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm của một người cha, một người mẹ, cũng giống như bao nhiêu người làm cha, làm mẹ trên thế gian này, là dành hết yêu thương và dành cả cuộc đời cho con mình.
Sức cuốn hút của quyển sách chính là cảm xúc, từ sự tinh tế, những ước muốn tử tế đến những ứng xử tử tế, những việc làm tử tế. Cảm xúc lan tỏa từ tâm hồn người cha, người mẹ và của cả những đứa con. Sự nâng niu mà người đọc dành cho mỗi câu chuyện, mỗi lá thư cũng từ cảm xúc. Cảm xúc từ sự hòa điệu. Cảm xúc ở sự thăng hoa .
Mùa World Cup hay những mùa bóng đá khác luôn là quãng thời gian tạo ra nhiều cảm xúc, cả tích cực và tiêu cực. Đã có không ít những buồn vui trong các gia đình trong các khoảng thời gian đó và có lẽ, dù ít, dù nhiều, những cuốn sách nhắc về sự gắn kết yêu thương sẽ biến ngày hội thể thao thực sự là ngày hội chứ không phải là cơn ác mộng đối với hạnh phúc của nhiều gia đình.

Tin cùng chuyên mục