Đám giỗ quê nhà

Trong nhịp sống đô thị, đám giỗ ở thị thành thường gọn nhẹ nhất có thể, con cháu nhớ ngày, vài ba món mặn ngọt, trái cây, hoa tươi… để lên bàn thờ, thắp nhang cho ông bà là xong. Ba ngày tiên thường, chánh giỗ, hậu thường chỉ còn thấy ở những miền quê, nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Hơn một tuần trước đám giỗ, cả nhà bắt đầu chộn rộn, người lớn lo trong lo ngoài, từ bánh trái tới mâm cỗ, rồi mời bà con xóm giềng. Đám nhỏ trông từng ngày, để tụ họp chị em.

Đám giỗ trong nhà luôn có sự vén khéo của bà, của má. Ảnh: LÊ HỮU TƯỜNG
Với các bà, các má, mấy ngày giỗ phải vén khéo trong ngoài, nhất là chuyện bánh trái. Đám giỗ ở Nam bộ đặc trưng có bánh ít, có gia đình mỗi đám gói vài trăm bánh là chuyện thường, bởi trước cúng ông bà, sau có cái biếu cho bà con, chòm xóm ăn lấy thảo.

Chuyện gói bánh bây giờ cũng không nhất thiết, tài khéo léo của người phụ nữ cũng có nhiều cách để thể hiện. Những dịch vụ cung cấp bánh trái theo đám cưới, đám giỗ… được nhiều người chuộng, vừa nhanh vừa tiện, đỡ một phần việc trong cuộc sống còn nhiều bận rộn. Nhưng hơn hết, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh ngày đám giỗ, chủ yếu để con cháu quây quần. Quanh chuyện chuẩn bị bánh trái, cũng là lúc sắp nhỏ được dạy những bài học để trưởng thành, trước hết là biết tưởng nhớ tổ tiên. Nên cái bánh ít không đều, chỗ tròn chỗ méo cũng không ảnh hưởng gì, quan trọng là mình biết đến cội nguồn, ông bà. 

Và cũng trong cái đám giỗ, tình làng nghĩa xóm khắng khít hơn bao giờ hết. Như cấy lúa vần công, nhà nào có giỗ, nhà kia qua phụ cứ thế mà đi giáp vòng trong xóm. Người đến ăn giỗ, ra về thường được gia chủ gửi kèm một túi quà nhỏ, mấy cái bánh ít, vài ba trái cây để đám nhỏ ở nhà có cái mà trông, mà mừng...

Nhịp sống thay đổi, những lễ nghi, giỗ chạp cũng giản lược bớt, không còn quá cầu kỳ hay khắt khe từng chút một trong chuyện cúng kiếng. Nhưng ngày giỗ ông bà, con cháu trong nhà phải nhớ, người ta mời hàng xóm “ngày nào, giờ nào nhà tôi có cúng kỵ cơm ông/bà, mời anh/chị sang nhà ăn bữa cơm, uống ly rượu”. Còn con cháu trong nhà phải nhớ ngày chứ không có chuyện mời thỉnh, bởi đạo làm người lá rụng về cội, có đi đâu, làm gì cũng phải nhớ mình là ai, ông bà mình ở đâu.

Và xa hơn câu chuyện của một gia đình, một dòng họ đó là một dân tộc. Từ khi ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch được chọn làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương, người ta có thêm một ngày để nhắc nhớ, để tự hào về truyền thống dân tộc. Và đền thờ Vua Hùng cũng không chỉ uy nghi ở đất Phú Thọ, mà phương Nam cũng vừa khánh thành Đền thờ Vua Hùng ở đất Cần Thơ (khu vực trung tâm ĐBSCL). Hay TPHCM, có Đền tưởng niệm các vua Hùng lớn nhất Nam bộ, tọa lạc trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức). Và còn đó giữa trung tâm thành phố, Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm viên gần 100 năm tuổi (đền được xây vào năm 1926) mang đậm nét kiến trúc Đông Dương, mái ngói lưu ly tinh xảo…

Đâu đó vẫn sẽ có ý kiến cho rằng cuộc sống đang đổi thay từng ngày, việc thờ cúng ở thời 4.0 chẳng khác nào nốt nhạc lạc dòng. Công nghệ chạm đến từng ngóc ngách nhỏ nhất trong cuộc sống, trên bàn thờ một số nơi cũng có sự góp mặt của nhang điện thay cho việc thắp nhang truyền thống… Ý kiến nào cũng chỉ là quan điểm cá nhân và trong góc nhìn của riêng mỗi người, ai cũng có lý lẽ và đúng sai cũng quy chiếu theo đó, nhưng chắc chắn không thể làm chuẩn chung cho cả xã hội. 

Một gia đình còn giữ nguyên giá trị thờ cúng tổ tiên, một dân tộc còn biết cúi đầu tưởng nhớ tiền nhân… thì có lẽ nhiều năm tháng qua đi, giữa muôn vàn những điều đã quên, nền tảng văn hóa chắc chắn sẽ còn, bởi người ta còn biết nhớ đến cội nguồn thì văn hóa, bản sắc vẫn còn ở đó.

Tin cùng chuyên mục