Đảm bảo tính khả thi của Bộ luật Hình sự

Tại hội nghị phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự  2015 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây ở Hà Nội, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra nhiều ý kiến phản biện để đảm bảo tính khả thi của dự án luật này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phải chống được tội phạm có tổ chức
Các đại biểu đã phản biện đối với một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em; trách nhiệm hình sự pháp nhân; vấn đề tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội; chính sách hình sự liên quan đến thị trường tội phạm quốc tế và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật…
PGS-TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, ít người hiểu và quan tâm sâu về thị trường tội phạm và tội phạm có tổ chức. Trong khi đó, 2 điều này rất liên quan đến nhau, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay. “Tội phạm và tham nhũng là một cặp bài trùng, ở đâu có tội phạm tham nhũng thì ở đó tội phạm có tổ chức hoành hành, thị trường tội phạm phát triển (tham nhũng, mafia, ma túy…). Tội phạm có tổ chức là khuynh hướng hiện nay trên thế giới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, thủ đoạn tinh vi, hoạt động xâm lấn cả trong giới chính quyền. Nhiều địa bàn trên thế giới trở thành nơi trú ngụ của tập đoàn tội phạm. Đặc biệt, ở đâu chưa xử lý trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì ở đó tội phạm có tổ chức hoành hành”, PGS-TS Ngô Huy Cương nhấn mạnh.
Vì thế, nếu dự án luật này không quan tâm thấu đáo đến các vấn đề này thì chúng ta chưa có tầm nhìn về vấn đề tội phạm, trong khi thực tế là bọn tội phạm ở Việt Nam hiện nay cũng đã tham gia vào thị trường tội phạm thế giới (các vụ trung chuyển động vật hoang dã, ma túy…).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra những hậu quả tai hại nếu dự án luật nói trên buộc luật sư phải tố giác tội phạm như Điều 19. Theo đó, khoản 1 của điều này quy định, người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
“Nếu quy định là luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như trong Điều 19 được sửa đổi thì các luật sư sẽ không dám bào chữa án hình sự”, luật sư Chiến nhận định, đồng thời cho biết thêm, một điều tra viên nếu muốn biết luật sư có “biết rõ” tội phạm hay không thì phải triệu tập. Mà như vậy thì luật sư sẽ bị chấm dứt ngay lập tức hoạt động nghề nghiệp đối với thân chủ mình. Hậu quả là một luật sư nếu lâm vào tình trạng đó sẽ đang ở tư thế thực thi pháp luật, thi hành quyền bào chữa, tự dưng trở thành người bị tình nghi, hoặc ít nhất là trở thành người làm chứng. 
Chỉ nên xử hình sự trẻ em khi phạm tội rất nghiêm trọng?
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đồng tình với việc xử lý hình sự đối với trẻ em từ 14 - 16 tuổi khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
“Để đấu tranh phòng chống tội phạm đối với trẻ em phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp như giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội…, chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự. Sớm bôi đen lý lịch tư pháp của lứa tuổi 14 - 16, khiến các em khó có điều kiện để phát triển”, GS Đường nói, đồng thời đề nghị đối với Bộ luật Hình sự - luật có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân về các vấn đề rất thiết thân như danh dự, nhân phẩm tài sản và cả tính mạng con người, cần quy định càng chi tiết, càng cụ thể minh bạch, định lượng rõ ràng. Phải phấn đấu càng nhiều quy định được lượng hóa từ định tính “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” sang định lượng cụ thể.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban chính sách pháp luật của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nêu thực tế là các tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái, đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động. Tuy nhiên, phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó, người thực hiện hành vi phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người, nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội”, bà Cầm nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục