Đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh

Sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Chiều cùng ngày, dự án Luật An ninh mạng cũng đã được UBTVQH cho ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp (Nguồn: quochoi.vn)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp (Nguồn: quochoi.vn)

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Cạnh tranh hiện hành được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2005 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, luật còn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm sự thích ứng với môi trường kinh doanh, phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới; chưa đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Cạnh tranh một cách cơ bản và toàn diện. Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 121 điều, 9 chương (so với Luật Cạnh tranh 2004, dự án luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều). Theo đó, luật không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam. 

Tại phiên họp, thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh, cần phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Cơ quan cạnh tranh vừa là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa là cơ quan thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và kiểm soát tập trung kinh tế. “Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dù tổ chức theo mô hình nào thì cơ quan cạnh tranh đều có tính độc lập tương đối và nhiều quốc gia đều quy định trong luật nội dung về cơ cấu tổ chức của cơ quan cạnh tranh”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đa số các ý kiến thành viên UBTVQH phát biểu tại phiên họp khẳng định sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi cụ thể của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam, cụ thể hóa hơn quy định “có khả năng” gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, song còn băn khoăn về cơ chế để bảo đảm tính khả thi của quy định đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý rằng, dự thảo có bổ sung một nội dung rất rộng, đó là cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý cả cơ quan nhà nước ban hành các văn bản hành chính, các quyết định làm hạn chế cạnh tranh. Theo ông Định, quy định này là “rất vướng” khi cơ quan quản lý về cạnh tranh quốc gia chỉ là một đơn vị thuộc Bộ Công thương. “Cái áo này rất là chật. Giao cho cơ quan cạnh tranh quốc gia những việc lớn như thế liệu có khả thi không”, ông Định bày tỏ băn khoăn và khuyến nghị, nếu không thiết kế được cơ quan cạnh tranh là cơ quan độc lập thì phải có cơ chế để khi cơ quan này phát hiện sai phạm sẽ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công thương, hoặc Thủ tướng Chính phủ, hoặc Chính phủ xử lý... 

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu bật vấn đề dự luật cần quy định theo hướng bảo đảm tính độc lập, khách quan của cơ quan cạnh tranh. “Tuy nhiên, yếu tố then chốt không phải là “ông bé” hay “ông to”, mà là có quy định để xử lý, vì nếu “ông to” sai luật thì “ông bé” vẫn có thể xử lý bình thường”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Tin cùng chuyên mục