Đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phục hồi kinh tế

Phục hồi sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. Để không rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng, bên cạnh giải pháp đáp ứng nguồn cung, giải pháp khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, sinh hoạt cần được triển khai mạnh mẽ hơn. 
Dây chuyền sản xuất hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sản xuất tại Công ty Misumi, TP Thủ Đức
Dây chuyền sản xuất hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sản xuất tại Công ty Misumi, TP Thủ Đức

Cần 12-13 tỷ USD/năm đầu tư các dự án điện năng 

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân 10,9% giai đoạn 2010-2015 và 10,1% giai đoạn 2016-2019. Về cơ bản, Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. Theo dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. 

Để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm giai đoạn 2031-2045, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) đưa ra tính toán, Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2030 và trên 12 tỷ USD/năm giai đoạn 2031-2045. Yêu cầu này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành điện trong việc thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng. 

Đồng bộ các giải pháp

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), cho biết, theo đánh giá của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đó còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện. EVN đã xây dựng và sẵn sàng cho 2 kịch bản: kịch bản cơ sở tăng trưởng điện 8,2%, tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỷ kWh. 

Về cơ bản, theo EVN, năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Để đảm bảo điện cho tăng trưởng phụ tải được dự báo, EVN đã phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để ký kết điều chỉnh khung giờ cao điểm các nhà máy này vào giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc. Đồng thời, phối hợp Bộ NN-PTNT, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ để nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. 

Bên cạnh đó, EVN thực hiện các giải pháp như: nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc; đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải; nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc; hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục