Đảm bảo kỷ cương trong đầu tư công

Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa diễn ra. Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm đầu kỳ kế hoạch chậm, nhất là vốn nước ngoài. 

Một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2017 và 2018 nhưng đến nay, vì nhiều lý do, vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Nguyên nhân tập trung ở 3 vấn đề là nhận thức, chính sách pháp luật và công tác triển khai. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật; ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; tư duy phát triển trong đầu tư công có nơi chậm đổi mới, vẫn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, trông chờ, ỷ lại Trung ương; quyết định dự án thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Và quan trọng nhất là phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra… Đây được xem như “tối hậu thư” cho các địa phương, bộ ngành liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. 

Triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, theo đó yêu cầu đến hết ngày 31-12-2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2021 được giao.

Các chủ đầu tư phải làm cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với Bộ Xây dựng theo từng tháng. Đồng thời sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu chủ đầu tư về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021. 

Từ sự kiên quyết của Chính phủ, kỳ vọng sau Bộ Xây dựng sẽ có nhiều bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc Nghị quyết 63/ NQ-CP để từng đồng vốn được sử dụng đúng chỗ, kịp thời, mang lại hiệu quả cao.

Tin cùng chuyên mục