Đảm bảo không thiếu thuốc điều trị cho F0

Chiều 18-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Xây dựng 7 kịch bản cho từng số lượng F0

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, có ngày 1.000 ca, có ngày 1.200 ca thậm chí có ngày trên 1.400 ca. Số bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng.

Ngoài ra, số ca nhập viện thời gian gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, khác với những ngày trong tháng 10. Một trong những con số đáng lo ngại khác đó là số ca tử vong chưa giảm, thậm chí còn tăng.

Theo ông Phạm Đức Hải, thực tế còn nhiều người chưa thực hiện nghiêm về quy định 5K, ra đường vẫn không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng, việc khử trùng ít có đơn vị thực hiện tốt. Từ những điều đó cho thấy thành phố cần có những giải pháp phù hợp.

“Thành phố kính mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm, đồng thuận với những quyết định khó khăn này, với mục đích là bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch vừa qua”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Trước thông tin nhiều người dân phản ánh, đăng ký túi thuốc C (Molnupiravir) cho bệnh nhân nhưng một số trạm y tế thông báo hết thuốc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, túi thuốc C là thuốc đang nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và điều kiện rất cụ thể dành cho đối tượng sử dụng như: F0 có triệu chứng nhẹ; người từ 18-65 tuổi được sử dụng nhưng không mắc các bệnh nền; không bị các bệnh lý về gan, thận, suy gan suy thận hoặc phụ nữ có thai, hoặc phụ nữ đang cho con bú; phụ nữ dự kiến có con trong 6 tháng tới... Do vậy tiêu chuẩn đưa vào thử nghiệm rất khắt khe, chứ không phải F0 nào cũng được sử dụng.

“Thời gian qua, đã có trạm y tế chựng lại việc sử dụng thuốc cho người dân. Sở Y tế đã có văn bản chấn chỉnh, đồng thời tập huấn, hướng dẫn lại đối với các đối tượng trạm y tế phường, xã. Sở Y tế đã có báo cáo với Bộ Y tế xin 100.000 túi thuốc C cho thành phố để dự trù, đảm bảo ca F0 tăng lên, đảm bảo cho người dân không bị thiếu thuốc”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Trả lời về ngưỡng đáp ứng của y tế thành phố đối với dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay với mục tiêu chung của thành phố cần đáp ứng được là duy trì, bảo vệ được thành quả đã đạt được trong đợt chống dịch thời gian qua. Mục tiêu cố gắng phải kéo giảm được các ca nhập viện, ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế.

Với tinh thần đó, Sở Y tế cùng với các sở ngành bàn các giải pháp và xây dựng từng kịch bản cụ thể. Qua tính toán sơ bộ, Sở Y tế đã trình lãnh đạo TP các phương án và đang xin ý kiến. Theo đó, đối với hai lực lượng nhân sự cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có sự cố F0 tăng nhanh thì hiện nay TP có trên 9.100 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng.

Lực lượng này đã được cọ xát rất tốt trong thời gian chống dịch đợt 4 vừa qua, đã nhuần nhuyễn để có thể xử lý được mọi tình huống. Với số ca, số giường bệnh, số giường oxy và ICU thì khả năng đáp ứng có thể chấp nhận được khi chúng ta tiếp nhận điều trị trên 120.000 F0 tại cùng thời điểm. Hiện Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản đáp ứng được cho từng số lượng F0. 

Đẩy mạnh khuyến mãi, kết nối hàng hóa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, các mặt hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, có một số mặt hàng tăng giá như dầu, đường, xăng dầu, gas… Tình hình giá đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí phòng chống dịch của doanh nghiệp, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá cả kéo theo.

Để bình ổn giá, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TPHCM cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, đồng thời các chương trình bình ổn giá tiếp tục thực hiện. Sở Công thương sẽ có kiến nghị Bộ Công thương để sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo giá cả các mặt hàng ổn định trong tình hình bình thường mới.

Thông tin về cấp mã định danh cá nhân, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TPHCM cho biết, Bộ Công an đã cấp định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, kể cả trẻ mới sinh. Đồng thời chỉ đạo công an địa phương, trực tiếp là công an cấp xã nơi thường trú liên hệ thông báo mã định danh cá nhân cho công dân.

Do đó, khi người dân, trong đó học sinh muốn nhận mã định danh cá nhân thì liên hệ công an cấp xã nơi thường trú hoặc liên hệ công an khu vực. Người tạm trú nếu thuận tiện liên hệ với nơi thường trú sẽ được cấp nhanh nhất. Trường hợp này cũng có thể liên hệ công an cấp xã nơi tạm trú để được hỗ trợ về tra cứu và thông báo mã định danh cá nhân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, spa, massage, quán bar sau hai ngày cho phép mở lại tại vùng xanh, ông Phạm Đức Hải cho rằng, quan điểm của TPHCM là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống làm việc trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường nên nguyên tắc đặt ra là “an toàn tới đâu mở cửa tới đó”, “mở cửa thì phải an toàn”. Vì vậy, Quyết định số 3900 của UBND TPHCM ban hành ngày 16-11 đã tạo điều kiện tốt cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ của dịch bệnh, đặc biệt trong những ngày qua nên UBND thành phố có quyết định dừng hoạt động các dịch vụ trên. 

Tin cùng chuyên mục