Đảm bảo hiệu quả, công bằng trong sử dụng tài nguyên tần số

Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) có “tuổi đời” trên 10 năm, trong khoảng thời gian đó, nhiều đạo luật liên quan (như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản…) đã được sửa đổi bổ sung. Đặc biệt, công tác cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện - một loại tài nguyên hết sức giá trị, nhưng lại vô hình trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế - cho thấy yêu cầu sửa đổi bổ sung đạo luật này.

Một ví dụ khá điển hình là Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành quy định nguyên tắc chung khi quy hoạch băng tần là “bảo đảm quản lý, sử dụng tần số VTĐ hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích”; nhưng lại không có quy định về hạn mức tần số mỗi doanh nghiệp được phép nắm giữ để triển khai mạng viễn thông đối với từng băng tần hoặc từng nhóm băng tần có đặc tính truyền sóng tương đồng. Trong khi băng tần di động là đầu vào thiết yếu để doanh nghiệp thông tin di động triển khai mạng lưới, kinh doanh và cung cấp dịch vụ viễn thông; doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì sẽ càng có lợi thế cạnh tranh. 

Việc không có quy định rõ ràng về hạn mức sử dụng băng tần sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp thông qua đấu giá hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số có thể sở hữu quá mức tài nguyên tần số (thậm chí độc quyền trong 1 nhóm băng tần), dẫn tới giảm hoặc thậm chí mất tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông. Kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cho thấy, nhiều nước (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ý...) đã đưa ra quy định về giới hạn lượng băng tần mà một doanh nghiệp được nắm giữ cho từng băng tần cụ thể hoặc cho một nhóm băng tần có cùng đặc tính truyền sóng trong từng thời kỳ và giao cho cơ quan quản lý quy định. 

Gửi hồ sơ về dự án sửa đổi Luật Tần số VTĐ đến Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ TT-TT đã đề nghị, tới đây, cần quy định trong luật về hạn mức sử dụng băng tần - không chỉ áp dụng khi cấp giấy phép lần đầu mà còn được áp dụng khi doanh nghiệp hợp nhất, chia tách, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ (được cấp thông qua đấu giá). Bộ TT-TT cũng đề nghị được giao trách nhiệm quy định cụ thể hạn mức áp dụng cho từng băng tần, nhóm băng tần.  Đề xuất này được coi là hợp lý và là một trong các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tránh trường hợp một doanh nghiệp nắm giữ phần lớn tài nguyên tần số VTĐ, có thể gây bất lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp khác. 

Cũng với mục đích đảm bảo sự công bằng, tránh thất thu cho Nhà nước trong sử dụng tài nguyên VTĐ, Bộ TT-TT cho rằng cần đồng bộ hóa quy định của luật này với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 về các khoản thu mà tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện. Hiện nay, bên cạnh phí sử dụng tần số VTĐ và lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ, Luật Tần số VTĐ mới chỉ quy định khi cấp phép các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao thông qua đấu giá thì thu thêm khoản tiền trúng đấu giá (bản chất là tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công). Trong khi, đối với các băng tần dành cho thông tin di động mặt đất công cộng, khi cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc cấp trực tiếp, nhiều nước thường thu thêm một khoản tiền để bù đắp chi phí quản lý tần số và thể hiện quyền lợi thế của doanh nghiệp viễn thông khi có được phổ tần quý hiếm, đảm bảo công bằng trong sử dụng tài nguyên tần số.

Tin cùng chuyên mục