Đảm bảo giá trị

Nói “đất đai là tài sản lớn của người dân” có vẻ thừa, bởi đương nhiên là thế. Thế nhưng trên thực tế, cách hành xử ở không ít nơi, không ít cơ quan về đất đai lại rất… vô tâm. Nhà đất của nhiều người đang sử dụng hợp pháp… một ngày kia bất ngờ bị “chụp” quy hoạch cho dù về nguyên tắc, khi làm quy hoạch, cơ quan chức năng phải lấy ý kiến người dân.

Thế là, như tuột dốc không phanh, giá trị nhà đất của không ít người dân lập tức mất giá trị, nhất là khi “bị chụp” quy hoạch làm công trình công ích như công viên, đường sá… Đáng nói, nhiều người mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai quy hoạch để họ ổn định cuộc sống, song nhiều quy hoạch “treo” miệt mài, chẳng ai có thể trả lời cho người dân biết bao giờ sẽ làm.

Chưa hết, vì bị quy hoạch nên hầu như những nơi này không được đầu tư sửa chữa, duy tu các công trình hạ tầng hiện hữu. Cơ sở vật chất xuống cấp, đất đai, nhà cửa của người dân vì thế ngày càng mất giá.

Hiện nay, các bộ ngành và nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp tháo gỡ, cho phép người dân được xây, sửa, mua, bán nhà khi Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất. Thế nhưng, tất cả những động thái ấy vẫn chưa đủ sức làm cho người dân an tâm, bởi trên thực tế việc đền bù khi Nhà nước thu hồi đất vẫn không đảm bảo cho người dân có cuộc sống “bằng hoặc tốt hơn trước”. Do vậy, giá trị nhà đất trong khu vực bị quy định vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.

Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu để chấm dứt tình trạng này. Có khả năng tài chính đến đâu thì làm quy hoạch tới đó. Phần còn lại, chỉ nên xác định, định hướng phát triển. Và quan trọng nhất, khi thu hồi đất, cơ quan chức năng nhất thiết phải đảm bảo bồi thường được cho người dân với tinh thần “người dân sẽ có điều kiện để xây dựng cuộc sống mới bằng và hơn cuộc sống cũ” như chủ trương của Đảng và Nhà nước. Không có sự chênh lệch giữa trước và sau khi bị thu hồi đất, dù là thu hồi đất làm công trình công cộng, phúc lợi xã hội thì giá trị nhà đất của người dân mới được đảm bảo.

Tin cùng chuyên mục