Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, giá ổn định

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (Tổ trưởng Tổ điều hành) khẳng định, bằng mọi cách phải đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… đáp ứng nhu cầu cho người dân trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19. 
Rau củ dồi dào được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Rau củ dồi dào được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Đà Nẵng: Sức mua tăng do tâm lý

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường hàng hóa tháng 7 tương đối sôi động với các hoạt động kích cầu, khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và các địa phương phát động, triển khai. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, tương đối ổn định. Trong giai đoạn này, do vào mùa nắng nóng, học sinh đang nghỉ hè nên nhu cầu du lịch, dịch vụ cũng tăng cao, thị trường sôi động. Sức mua có nhiều khả quan hơn so với những tháng trước đó.

Tuy nhiên, sau khi Đà Nẵng, Quảng Nam công bố các ca mắc Covid-19, thực hiện cách ly toàn TP Đà Nẵng, tâm lý người dân đã e ngại hơn, nhu cầu du lịch giảm. Về tình hình thị trường, do các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó nên hàng hóa thực phẩm thiết yếu luôn được cung ứng đầy đủ, giá cả ổn định. Người dân cũng không còn tâm lý đổ xô đi mua hàng để dự trữ như trước. Theo ông Trần Duy Đông, trong đợt dịch lần trước, Bộ Công thương đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa và hướng dẫn địa phương triển khai theo đúng kịch bản đã đề ra. Hiện nay, khi dịch bùng phát trở lại, bộ đã kích hoạt các kịch bản này. Đồng thời căn cứ theo tình hình thực tế, có công văn gửi các địa phương, DN về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch, đồng thời khuyến khích các DN có biện pháp tăng cường bán hàng online. 

Riêng tại TP Đà Nẵng, do tâm lý, tối 29-7 và sáng 30-7 đã xảy ra tình trạng nhiều người dân đổ xô đi mua hàng về tích trữ. Nhanh chóng vào cuộc, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng và đại diện các kênh phân phối trên địa bàn cũng khẳng định, chợ, siêu thị của TP Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa. Giao thông thông suốt, hàng hóa không bị đứt đoạn và liên tục về hàng ngày nên người dân không nên tích trữ.

Sở Công thương Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị; chủ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường. 

Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được Bộ Công thương quan tâm triển khai. Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, tổng cục đã chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương toàn quốc tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào mặt hàng trang thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm. Tại Đà Nẵng, trong 2 ngày 28 và 29-7, lực lượng QLTT đã bắt giữ 58.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, đang tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định. 

TPHCM: Hàng hóa dồi dào

 Ghi nhận từ thị trường TPHCM trong những ngày qua cho thấy hàng hóa rất dồi dào phong phú, giá bán ổn định. Không xảy ra tình trạng người dân xếp hàng hoặc chen lấn mua hàng trong các siêu thị. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, đơn vị này đã tiến hành dự trữ hàng hóa thiết yếu và lên lộ trình từng bước tái khởi động các biện pháp phòng dịch tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Saigon Co.op, trong đó khởi điểm là tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. 

Theo đó, hàng loạt biện pháp phòng chống dịch sẽ được Saigon Co.op kích hoạt, hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo trữ lượng an toàn, đồng thời lượng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, gel rửa tay… cũng như các phương án nhân sự, phương án vận chuyển đều đã được sẵn sàng cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op trên cả nước. 

So với cao điểm dịch trước đây, Saigon Co.op hiện nay có bổ sung thêm phương án hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương, khu vực. Hiện Saigon Co.op đang đặc biệt chú trọng các phương án vận chuyển hàng hóa và biện pháp cách ly cho các siêu thị tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, tiến tới các khu vực có siêu thị lân cận. Khu vực TPHCM và các tỉnh thành có siêu thị Co.opmart trú đóng đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao theo diễn biến dịch.

Tại nhiều hệ thống siêu thị khác như Big C, Lotte Mart, Vinmart, Mega Market… cũng cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Riêng mặt hàng khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn, các siêu thị vẫn nhập hàng hàng ngày, đảm bảo tốt nhất nhu cầu sử dụng của người dân trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp. 

Để góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, chính quyền TPHCM chỉ đạo lực lượng 389 của TP tăng cường công tác kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa thiếu yếu, đặc biệt là các mặt hàng trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước diệt khuẩn; lực lượng QLTT, công an, hải quan tăng cường kiểm soát tình trạng xuất lậu, thu gom, nâng giá quá mức trang thiết bị y tế và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, dịch Covid-19 đang quay lại và diễn biến khó lường. Đối mặt với những tác động dịch bệnh gây ra, từng hiệp hội, cơ quan thuộc Tổ điều hành thị trường trong nước với nhiệm vụ và quyền hạn của mình cần có những cố gắng, kiến nghị các biện pháp để làm tốt chức năng điều tiết cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu lớn như khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm thiết yếu…

Tổ điều hành sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xây dựng các kịch bản đối phó với dịch trong tất cả các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ, căn cứ theo kịch bản đã đề ra, xem xét các yếu tố biến động mới của thị trường để tiếp tục triển khai giải pháp sẵn sàng đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá.

Tin cùng chuyên mục