Đảm bảo chất lượng đầu vào đại học

Năm 2021, kết quả tuyển sinh chính quy trong toàn hệ thống đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 530.000 thí sinh đỗ, đạt 92,65%; năm 2020 đạt 83,86%). Ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành đào tạo giáo viên cũng tăng 0,5 điểm so với năm 2020; ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành đào tạo sức khỏe có chứng chỉ hành nghề được giữ ổn định như năm 2020.

Có tới hơn 92.000 thí sinh trúng tuyển thẳng và thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực đã xác nhận nhập học trên hệ thống, được đưa ra khỏi danh sách xét tuyển đợt 1 (năm 2020 là gần 75.000 thí sinh). Điều đó cho thấy, số thí sinh điểm cao, số thí sinh được tuyển thẳng, xét học bạ ngày càng tăng, liệu đó có phải là yếu tố để xã hội yên tâm vào chất.

Thực tế thì nhiều vấn đề bất cập trong tuyển sinh đại học cũng đã xảy ra trong năm 2021. Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Dư luận từng bức xúc khi một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm cũng không đỗ. Bên cạnh đó, có một số trường chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển, phải xử lý vấn đề sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Nhiều trường cũng chưa có dự báo và giải pháp để xử lý tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng vẫn không trúng tuyển… 
Có một thực tế là càng ngày các trường đại học càng tung ra nhiều phương thức xét tuyển để thu hút thí sinh. Cùng một ngành nhưng trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi. Đơn cử như năm nay một số trường sử dụng tổ hợp không có môn Sinh học để xét tuyển ngành y dược dù môn này vốn được coi là cốt lõi để vào học y dược. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng với tình trạng các trường chạy đua trong việc dùng các tổ hợp mới để xét tuyển, mục tiêu là thu hút được càng nhiều thí sinh càng tốt. Điều đó khiến cho xã hội lo lắng, liệu chất lượng đầu vào đại học có được bảo đảm?
 Dĩ nhiên, tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường đại học nên sử dụng tổ hợp nào là quyết định của các trường. Chất lượng đầu vào chỉ là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Đầu vào cao mà chương trình đào tạo không tốt thì chất lượng đầu ra cũng sẽ có vấn đề. Hiện các trường đại học đã quen với việc tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa qua. Các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh; nhiều trường thi riêng, xét tuyển bằng nhiều phương thức, tổ hợp khác nhau… Đó là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các trường phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Nói cách khác, các trường phải giải trình được sự phù hợp của tổ hợp xét tuyển mới so với các tổ hợp truyền thống. Điều đó vừa để bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.  
Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến toàn bộ thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến, các em được đăng ký tất cả nguyện vọng đại học sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn thành, thậm chí sau khi biết điểm thí sinh mới đăng ký nguyện vọng đại học. Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường đại học - dù bằng cách xét tuyển nào đều được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Như vậy, có thể thấy, Bộ GD-ĐT đã tạo tối đa cơ hội cho thí sinh vào học đại học. Vấn đề còn lại là các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế. Các trường cần xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo nhằm khắc phục những hạn chế như đã xảy ra trong năm 2021. Đặc biệt, phải xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội về điều đó.

Tin cùng chuyên mục