Đảm bảo an toàn PCCC trong bầu cử

Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về nội dung này.

Đảm bảo an toàn PCCC trong bầu cử ảnh 1 Đại tá Huỳnh Quang Tâm
Sẵn sàng về lực lượng, phương tiện và phương án

* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, ngày bầu cử (ngày 23-5) đang tới gần. Phòng PC07 có các biện pháp nào nhằm đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ?

- Đại tá HUỲNH QUANG TÂM: Hiện nay, Phòng PC07 đã và đang phối hợp với công an các quận, huyện triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ. Chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn PCCC. Cùng với đó, chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra, rà soát các phương án, nắm tình hình cụ thể để chủ động phát hiện và kịp thời xử lý các tồn tại, thiếu sót về PCCC. Qua đó, loại trừ các nguy cơ phát sinh cháy nổ ngay từ đầu, góp phần bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

* Số lượng các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn TPHCM rất lớn - hơn 3.000 điểm. Đồng chí nhận xét công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các điểm bỏ phiếu đến nay ra sao? Các điểm bầu cử cần chú trọng biện pháp gì?

- Điểm chung của các khu vực bỏ phiếu là diện tích khá rộng và đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật. Đặc biệt, các khu vực bỏ phiếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ về PCCC và cứu nạn cứu hộ. Các địa điểm xây dựng phương án PCCC và cứu nạn cứu hộ, có kế hoạch phòng ngừa không để bị động, bất ngờ khi có cháy nổ hay các tai nạn, sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến các hoạt động chuẩn bị và tổ chức bầu cử.

Trong quá trình chuẩn bị bầu cử, đề nghị UBND phường, xã, thị trấn cần chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các điểm bỏ phiếu. Trong đó, chú trọng các điều kiện về thoát nạn, phương tiện PCCC phục vụ chữa cháy ban đầu, khả năng xử lý của lực lượng PCCC tại chỗ và an toàn điện tại các điểm bầu cử... Đồng thời, cần bố trí cán bộ, lực lượng dân phòng tổ chức ứng trực tại chỗ nhằm xử lý kịp thời nếu có sự cố về cháy nổ.

Với trách nhiệm của mình, Phòng PC07 luôn tập trung ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với Công an TP Thủ Đức và công an các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực để đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các địa điểm bầu cử trên địa bàn thành phố.

Cẩn trọng khi sử dụng điện

Thời điểm bầu cử là vào mùa mưa, người dân cần chú ý những yếu tố nào để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất cháy nổ?

 - Thống kê cho thấy, có đến 60% các vụ cháy xuất phát từ sự cố về hệ thống, thiết bị điện. Không chỉ mùa khô, mà mùa mưa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy vì dây điện hở, gặp nước mưa dẫn đến chạm chập, rồi nổ, cháy. Có nhiều cách giúp người dân đảm bảo an toàn PCCC trong gia đình khi sử dụng điện như: lựa chọn dây dẫn đủ tải cho hệ thống, thiết bị điện trong gia đình; thường xuyên kiểm tra, thay thế, sửa chữa thiết bị bảo vệ, dây dẫn; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, ổ điện, bóng điện. Người dân hết sức cẩn thận khi sử dụng thiết bị đốt nóng như bếp điện, bàn ủi và nên ngắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

Đảm bảo an toàn PCCC trong bầu cử ảnh 2 Lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ huyện Nhà Bè (TPHCM) diễn tập PCCC chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Gần đây đã xảy ra không ít vụ cháy thương tâm ở nhà dân “2 trong 1” - vừa ở, vừa kinh doanh buôn bán, hay những căn nhà ống chỉ có 1 cửa là lối vào và cũng là lối thoát duy nhất. Thưa đồng chí, người dân sinh sống trong những ngôi nhà có tính chất như vậy, cần làm gì để đảm bảo an toàn PCCC và yên tâm đi bầu cử?

 - Sinh sống trong những ngôi nhà ống, người dân cần chú ý thiết kế lối thoát hiểm khẩn cấp nhằm thoát nạn. Lối thoát hiểm phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Đơn cử, cần để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết để sử dụng khi cần. Cần treo 1 chiếc búa nhỏ gần ổ khóa để trong trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt và thoát ra ngoài.

Xin lưu ý, người dân không nên để đồ đạc cản trở lối thoát nạn trong nhà ống. Khi phát hiện cháy, cách tốt nhất là người dân nên tìm đường thoát hiểm phía trước ngôi nhà như ban công; trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hay mền vải kết thành sợi để thoát xuống dưới. Nếu không thoát ra ngoài được thì ngay lập tức người dân phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói vào phòng; gọi ngay số 114 cùng thông tin về nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và số người mắc kẹt. Người dân cũng cần trang bị phương tiện PCCC tại chỗ như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc để sử dụng khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Phòng ngừa các sự cố như cây ngã, cột điện đổ, rớt biển quảng cáo... trong mùa mưa, Phòng PC07 đã phối hợp với Sở GTVT TPHCM rà soát, xử lý, cắt tỉa, làm gọn hệ thống cây xanh trên đường, hạn chế sự cố cây xanh ngã đổ làm hỏng hệ thống dây điện, dẫn đến chập điện gây cháy nổ. Đồng thời, phối hợp cùng ngành điện nâng cấp, cải tạo các đường dây điện cũ. 

Đối với các cơ sở sản xuất, đặc biệt là cơ sở sử dụng điện có công suất lớn, sử dụng hóa chất, kinh doanh xăng dầu, Phòng PC07 khuyến cáo phải lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét. Để đảm bảo an toàn PCCC trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phòng PC07 đảm bảo 100% quân số trực theo đầu xe, sẵn sàng xuất xe nhanh, chữa cháy kịp thời. Phòng PC07 kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, địa điểm vui chơi, nơi tập trung đông người, các bến xe, nhà ga, kho hàng lớn…

Tin cùng chuyên mục