Đảm bảo an ninh nguồn nước

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống đảm bảo an toàn. Vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ là câu chuyện toàn cầu mà còn là thách thức đối với Việt Nam. 

Công bố từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm chất lượng nước ở Việt Nam có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm; tổng nhu cầu nước mùa khô vào năm 2030 sẽ tăng 32% so với hiện tại. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng trong khi nguồn nước lại đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Đây là thách thức không nhỏ cho Việt Nam trên con đường phát triển. 

Thực tế này càng hiện hữu hơn khi tham khảo từ nhận định của Bộ TN-MT, hiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng, cộng với tác động của biến đổi khí hậu khiến tình trạng này ngày càng rõ nét hơn. Trong khi, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… gia tăng về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Vì thế, an ninh nguồn nước ở nước ta đứng trước nguy cơ mất đảm bảo và sẽ ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có những đánh giá và các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước. 

Nhằm phòng bị từ sớm, mới đây, Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn.

Bước đầu, chúng ta sẽ khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi lớn; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời tiến hành phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ môi trường; phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước…

Với hàng loạt giải pháp nêu trên, hy vọng sự bắt tay thực hiện nghiêm túc của các cơ quan chức năng sẽ mang lại kết quả tích cực nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao chất lượng sống cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững.

Tin cùng chuyên mục