Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện hàng năm bằng 1,5 - 1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, cường độ năng lượng (lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị GDP) hiện nay đang cao gấp 5 lần so với các quốc gia phát triển (như Nhật Bản, châu Âu) và cao hơn các nước ASEAN (như Thái Lan) khoảng 20%-30%. 

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, việc phải xây dựng và ban hành các chính sách, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của nền kinh tế là rất cấp thiết. 

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Trước sức ép nguồn cung năng lượng hiện nay, khi mà các nguồn thủy điện lớn/nhỏ đã và đang bị khai thác cạn kiệt, khai thác dầu khí chưa có nhiều đột biến về sản lượng, năng lượng tái tạo, thì không thể một sớm một chiều đóng vai trò lớn trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia…; việc cải thiện chất lượng sử dụng và tiêu thụ năng lượng được coi là giải pháp bền vững đối với ngành năng lượng cũng như chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được đẩy mạnh triển khai theo chiều sâu và chiều rộng, liên tục và đồng bộ. 

Trao đổi về lĩnh vực này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), cho biết nhiều năm qua, bộ luôn đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn thông qua hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế để phục vụ chuyển đổi công nghệ, thay thế cải tạo máy móc, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực quản lý năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm tại doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là một trong những đối tác phát triển đã và đang đồng hành cùng Bộ Công thương trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) huy động được khoảng 158 triệu USD; trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 100 triệu USD, số còn lại đến từ Vietcombank và BIDV, cùng đối ứng từ doanh nghiệp. 

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia cao cấp về năng lượng, đại diện Ngân hàng Thế giới, cũng cho biết Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đang và sẽ đưa vào triển khai với mục đích góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Có thể thấy, đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề sống còn đối với phát triển nền kinh tế và phát triển đất nước. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là điều kiện bắt buộc, chứ không còn là khuyến khích nữa. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí.

Tin cùng chuyên mục