Đảm bảo an ninh năng lượng

Năng lượng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Vấn đề an ninh năng lượng càng được quan tâm hơn trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng cao trong khi các nguồn cung thì ngày một cạn kiệt. 

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao 8%-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn đến đảm bảo nguồn cung điện. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu “sống còn” đối với một quốc gia hiện nay.

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những vấn đề về an ninh hàng đầu của mỗi quốc gia. Tầm quan trọng của an ninh năng lượng đứng ở vị trí thứ 5 trong số 7 vấn đề an ninh: an ninh quốc phòng, an ninh chính trị - xã hội, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước và sinh thái, an ninh môi trường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế phát triển mạnh như hiện nay, việc bảo đảm an ninh năng lượng theo hướng đủ đã là khó đối với Việt Nam. Bởi khi kinh tế - xã hội phát triển càng mạnh thì nhu cầu về năng lượng phải cao hơn.

Từ một nước xuất khẩu năng lượng sang Campuchia, Lào..., chúng ta đã phải nhập khẩu than từ năm 2015 và xu hướng này càng ngày càng tăng. Từ nay đến năm 2050, nhu cầu có thể tăng gấp 8 lần dẫn đến 3/4 nhu cầu năng lượng của Việt Nam phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2019 khoảng 43,85 triệu tấn, tương đương 3,79 tỷ USD, tăng rất mạnh 91,8% về lượng và tăng 48,3% về kim ngạch so với năm 2018. Nhìn vào cơ cấu của Quy hoạch điện VII hiện nay, nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường trên thế giới đều cảnh báo, nhiệt điện than được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính làm biến đổi khí hậu và cần phải được cắt giảm.

Có thể thấy rằng, nhu cầu chuyển sang phát triển và đẩy mạnh năng lượng tái tạo (NLTT) đối với Việt Nam đã trở nên cấp thiết. Chuyển dịch sang phát triển NLTT không chỉ có ý nghĩa đối với ngành năng lượng mà chuyển dịch cả mô hình kinh tế. Đây sẽ là cơ hội giúp Việt Nam có thể thu hút nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, bởi hiện nay các nguồn tài chính cho phát triển năng lượng hóa thạch đang bị giới hạn và đang bị nhiều ngân hàng cũng như nhiều tổ chức tài chính không xem xét nữa.

Mặt khác, phát triển nguồn NLTT, nhất là điện gió và điện mặt trời nối lưới, mái nhà được xem là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển nguồn NLTT, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở... để lắp đặt điện áp mái; bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, tạo công việc, thu nhập cho người lao động.

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế, Bộ Công thương đang xây dựng chính sách theo 2 cách, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng. Từ đó hướng tới nền kinh tế sử dụng carbon thấp, thay đổi mô hình sản xuất và sử dụng điện một cách bền vững; chuyển từ giai đoạn sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, NLTT, góp phần thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục