Đắk Nông “bó tay” với nạn phá rừng

Thời gian qua, dù ngành chức năng đã tăng cường thực hiện các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tuy nhiên số vụ vi phạm lâm luật vẫn chưa có chiều hướng giảm. 

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong 11 tháng của năm 2022, tại Đắk Nông đã xảy ra 449 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ khai thác rừng trái phép, và 308 vụ phá rừng trái pháp luật làm thiệt hại 63ha rừng các loại. Với các vụ vi phạm lâm luật, Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có số vụ phá rừng đứng thứ 4 so với cả nước.

Trước thực trạng phá rừng đáng báo động, những người có trách nhiệm liên đới thanh minh, diện tích thiệt hại trong các vụ phá rừng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ (bình quân 0,2ha/vụ), số vụ giảm dần theo từng năm. Nhưng với “thành tích” đứng thứ 4 cả nước về số vụ phá rừng, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo vệ rừng tại Đắk Nông còn yếu kém, có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Về nguyên nhân dẫn đến nhiều cánh rừng bị đốn hạ và tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra trên quy mô, phạm vi rộng lớn, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông là do lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn quá mỏng, không thể nắm bắt, phát hiện và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, những năm gần đây, cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm nghỉ việc ồ ạt khiến ngành lâm nghiệp của tỉnh thiếu hụt trầm trọng người giữ rừng. 

Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào mùa khô, tình trạng phá rừng đang có chiều hướng gia tăng. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã và đang tăng cường tuần tra quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, các hành vi vi phạm lâm luật nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng vi phạm lâm luật.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật. 

Để bảo vệ những cánh rừng còn sót lại, thiết nghĩa các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần phải sớm có giải pháp, cơ chế đặc thù và căn cơ hơn nữa để giữ chân, thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp. Đồng thời, trang bị phương tiện hiện đại cho đội ngũ kiểm lâm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các vụ phá rừng, cháy rừng.

Nếu không hành động sớm, một khi những cánh rừng bị tàn phá, đốn hạ mất kiểm soát, hệ lụy để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần vào cuộc chỉ đạo điều tra, xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan, đặc biệt là những cán bộ có chức vụ tiếp tay cho lâm tặc.

Tin cùng chuyên mục