Đại tướng Mai Chí Thọ - Người lãnh đạo chan hòa, cầu thị

Nhìn lại cuộc đời với hơn 70 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Mai Chí Thọ, có thể thấy rằng ông là người cộng sản, người lãnh đạo, người Công an nhân dân mà “trên tin, dưới phục, dân ngưỡng mộ/đức sáng, tài cao, vẹn nghĩa tình”.
Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975). Nguồn: Ảnh tư liệu
Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975). Nguồn: Ảnh tư liệu

Cuộc đời hoạt động trải qua nhiều cương vị, nhưng ở cương vị nào ông cũng có những cống hiến xuất sắc. Ông là người đã góp phần và trực tiếp đặt nền móng cho công tác điệp báo ở Sài Gòn. Ngay sau Hiệp định Genève, ông viết đơn xin ở lại chiến trường miền Nam, được giao làm Phó ban rồi Trưởng ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy. Chỉ trong khoảng 5 năm, từ năm 1954-1959, ông đã cùng ban xây dựng thành công mạng lưới tình báo huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đội ngũ giao liên kiên trung, bất khuất.

Chiến thắng Tua Hai ngày 26-1-1960 đánh dấu bước ngoặt của chúng ta từ thế thoái trào, bế tắc đã lật ngược thế cờ trên chiến trường - có dấu ấn của người chỉ huy Mai Chí Thọ, khi ấy là Bí thư Đảng ủy Ban chỉ huy trận đánh. Tháng 5-1965, khi nhận nhiệm vụ Thường trực Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông bám trụ ở Củ Chi, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu chống càn của lính Mỹ và công tác phối hợp với nội thành. Thắng lợi của Củ Chi trong chống càn và những bài học kinh nghiệm từ đây đã được tổng kết, phổ biến rộng rãi trong toàn miền, góp phần đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ và tay sai.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông trực tiếp làm Bí thư Phân khu 1 của Khu trọng điểm, sau đó cùng với tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, ông làm Phó Chính ủy Mặt trận tiền phương Bắc. Tháng 4-1974, để chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược, với cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ông trực tiếp ra Bắc báo cáo Bộ Chính trị và nhận chỉ thị về việc chuẩn bị cho cuộc tiến công vào Sài Gòn.

Về Sài Gòn, ông đã cùng lãnh đạo Thành ủy khẩn trương chuẩn bị tổ chức, điều động lực lượng. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, Sài Gòn được giải phóng mau lẹ và gần như nguyên vẹn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản, rồi sau đó giữ các chức vụ Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM, rồi Bí thư Thành ủy TPHCM. Với nhiều cương vị khác nhau, ông cùng tập thể lãnh đạo thành phố giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn, phức tạp của một thành phố đông dân bậc nhất sau giải phóng. Đặc biệt là việc giữ vững, ổn định trật tự trị an; nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn ngoại thành; giải tỏa ách tắc về phân phối lưu thông; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội…

Những đóng góp của ông cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và tập thể lãnh đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm của TPHCM 10 năm sau giải phóng, bằng thực tiễn của thành phố đã góp phần hết sức ý nghĩa vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của Đảng, của cả nước.

Cuối năm 1986, ông được điều ra nhận nhiệm vụ Thứ trưởng rồi sau đó làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an. Là người sớm gắn bó với ngành công an, nay trở thành người đứng đầu ngành đúng vào thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng, với trách nhiệm là Ủy viên Bộ Chính trị, với kinh nghiệm và kiến thức có được trong suốt những năm công tác trong ngành, ông đã có những đóng góp hết sức ý nghĩa xây dựng ngành công an trong thời kỳ mới. 

Lúc đương thời, đồng chí Mai Chí Thọ coi sự tin cậy, yêu mến của nhân dân là phần thưởng lớn nhất của cuộc đời. Trong lòng người dân Nam bộ, người dân TPHCM, Đại tướng Mai Chí Thọ mãi là tướng con dân.

Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ luôn ở nơi tuyến đầu gian khổ, gắn bó hầu như cả cuộc đời với vùng đất Nam bộ, với Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Ở con người ông luôn thấm đẫm tính nhân văn, thừa hưởng tấm lòng và bài học về lòng nhân ái từ người mẹ và bà nội của mình, của quê hương, hòa quyện với chất hào sảng, phóng khoáng, nghĩa tình trong cuộc sống và phong cách của con người Nam bộ.

Trong mọi công việc, từ thuở ban đầu cho đến khi làm lãnh đạo TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công an, ông vẫn sống chan hòa với đồng chí, đồng đội, cầu thị học hỏi, nhớ ơn đồng bào, đồng chí đã cưu mang, giúp đỡ và cả những hy sinh vì mình lúc gian khó. Trong công việc, ông luôn gắng hết sức để có lợi cho dân, phân minh trong ứng xử để tránh oan sai cho người dân, cái gì có lợi cho dân thì ông hết sức làm. Khi nghỉ hưu, ông dành hết tâm sức, thời gian cho công tác xóa đói giảm nghèo của TPHCM với quan niệm: Xóa đói giảm nghèo là thể hiện bản chất, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Tin cùng chuyên mục