Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung

Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Các  ý kiến tham luận của các đại biểu có nhiều nghiên cứu, gắn bó mật thiết sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Mai Chí Thọ; thể hiện sự thương yêu, trân trọng đối với vị Đại tướng kính mến.

Sáng 12-7, Bộ Công an và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15-7-1922 – 15-7-2022).

Chủ trì hội thảo là các đồng chí: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Cùng dự hội thảo có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, quê hương và gia đình đồng chí Mai Chí Thọ.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sâu sát lo cho dân nghèo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, đồng chí Mai Chí Thọ sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong đó, với trọng trách Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Đông, từ năm 1960 đồng chí Mai Chí Thọ là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, hoạt động lãnh đạo của đồng chí Mai Chí Thọ gắn liền với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ của quân dân miền Đông và miền Nam.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 2 Đồng chí Lê Hoàng Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau ngày giải phóng, khi làm lãnh đạo TPHCM, đồng chí Mai Chí Thọ luôn gần gũi với dân, quan tâm cuộc sống người dân. Khi làm cố vấn cho công tác xóa đói giảm nghèo của TPHCM, đồng chí từng nói, cái quyết định là phát triển kinh tế giàu mạnh và công bằng xã hội. Không thể chấp nhận đất nước đổi mới mà người thiệt nhất lại là những người dân nghèo. Làm như vậy thì còn gì là xã hội chủ nghĩa. Đồng chí rất nhiệt thành với việc xóa đói, giảm nghèo, với sự tập trung, nhiệt huyết và từ trái tim, sức lực. Đồng chí còn nhắc nhở, cán bộ đảng viên phải tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo của TPHCM, bên cạnh việc khuyến khích làm giàu.

Chia sẻ thêm, đồng chí Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên cán bộ văn phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, trong suốt 30 năm kháng chiến chống quân xâm lược để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông, đồng chí Mai Chí Thọ gắn bó với chiến trường Nam bộ, trong đó hơn 10 năm (1965 - 1975) đồng chí giữ những trọng trách trong phong trào cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Với cương vị lãnh đạo, đồng chí đã chỉ đạo khắc phục những yếu kém của phong trào đô thị được Hội nghị Bình Giã V vạch ra và chuẩn bị mọi tình huống để đưa phong trào đô thị phát triển thành cao trào cách mạng quyết liệt, rộng lớn. Đặc biệt, đồng chí đã lấy khu dân cư lao động làm nền tảng chung.
Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 3 Đồng chí Phan Xuân Biên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Trong thời gian này, ở Sài Gòn đã diễn ra một sự kiện có lẽ hiếm thấy ở nhiều nơi khác, đó là “Ngày ký giả đi ăn mày”. Lúc đầu có khoảng 200 ký giả thuộc Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội ái hữu Ký giả Việt Nam xuống đường đấu tranh, sau đó được quần chúng các ngành, các giới hưởng ứng, gia nhập đoàn lên đến 20.000 người. Đây được coi là cuộc đấu tranh lớn nhất và có tác động mạnh nhất, sâu sắc nhất cả trong và ngoài nước của lịch sử hoạt động của báo chí Việt Nam, mang đặc trưng tiêu biểu của đời sống đô thị Sài Gòn”, đồng chí Phan Xuân Biên nhớ lại.

Đối với ngành công an, Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Công an nhấn mạnh, đồng chí Mai Chí Thọ là đại thụ của ngành công an, là vị Bộ trưởng đáng kính, giàu lòng nhân ái nhân văn. Với đồng chí, không phải khi có chức vụ cao mới có giá trị mà giá trị nằm ở hành động. “Đồng chí Mai Chí Thọ luôn phản biện và lắng nghe phản biện. Trong các vấn đề gai góc của cơ quan, đồng chí luôn thẳng thắn không né tránh. Đồng chí cho rằng cần mạnh dạn phê bình và tự phê bình mới phát triển được ngành công an. Nếu cứ sợ sai không dám làm, chỉ nghĩ cho cá nhân mình thì khó lòng đổi mới.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 4 Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Bình Ban cho rằng, đồng chí Mai Chí Thọ là một người lãnh đạo luôn đứng ở tuyến đầu, trên những mặt trận đấu tranh khốc liệt nhất với kẻ thù trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của các cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhưng dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thương yêu đồng chí, đồng bào, gần gũi và có trách nhiệm với mọi người.

Người chiến sĩ cách mạng, người cha vĩ đại

Xúc động trước những tình cảm mà lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dành cho cha mình – Đại tướng Mai Chí Thọ, bà Phan Thị Thanh Xuân trân trọng cảm ơn các tác giả bài viết đã gửi gắm những tình cảm trân quý, ghi nhận đóng góp của đồng chí Mai Chí Thọ.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 5 Bà Phan Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong niềm xúc động dâng trào, bà Thanh Xuân khẳng định bà và các anh chị em may mắn được làm con của người cha đặc biệt, người mà họ luôn tự hào, yêu quý. “Đối với chúng tôi, ông là người cha nhân từ, bao dung, đầy khí phách và vô cùng sâu sắc mà bình dị, chan hòa tình cảm. Dù đã trải qua thời tuổi trẻ trong nhà tù, chiến trường, nhưng ông rất mạnh mẽ, lạc quan, tích cực, nhanh nhẹn”, bà Thanh Xuân chia sẻ.

Theo bà Thanh Xuân, do chiến tranh và nhiệm vụ của cha, tuổi thơ của anh em bà không được gặp người cha thân yêu. Gia đình chỉ được đoàn tụ sau ngày giải phóng. Và thời gian đoàn viên của cả gia đình chỉ vỏn vẹn có 16 năm, nhưng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, theo bà Thanh Xuân, đồng chí Mai Chí Thọ không chỉ có gia đình nhỏ, đối với đồng chí, tất cả mọi người anh em bạn hữu, mọi nhân vật lịch sử ít nhiều có cơ duyên đã trợ giúp ông trên các chiến tuyến, các đồng nghiệp chí cốt, các gia đình cơ sở cách mạng đều là gia đình lớn của đồng chí.

“Cha tôi lập một bàn thờ và nói để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của các chú bảo vệ, các chiến sĩ đã ra đi vì sự nghiệp cách mạng. Ông tự tay nâng niu các tấm hình kỷ niệm đã bị nhòe đi mà ông lưu giữ”, bà Thanh Xuân bùi ngùi nhớ lại.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Một đời kiên trung ảnh 6 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng chí Mai Chí Thọ sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Định giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Thấu hiểu sự nghèo đói, khổ cực của người dân lao động dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến; cảm phục trước những tấm gương ái quốc của các thế hệ cha anh, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ khi 14 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Mai Chí Thọ luôn gắn liền với lịch sử và sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn, đồng chí đều để lại dấu ấn và có đóng góp đặc biệt quan trọng đối với Đảng, Nhà nước, dân tộc và lực lượng vũ trang nhân dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ đã được Đảng, Nhà nước và Công an tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Trên nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí Mai Chí Thọ luôn là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc của nhân dân Nam bộ, có công lao đóng góp to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Nam bộ, đặc biệt là đã xây dựng nền móng cho sự đổi mới toàn diện của lực lượng Công an nhân dân sau Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, những tham luận và ý kiến đóng góp của các đồng chí đã góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu quý báu, khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng anh dũng, kiên trung của Đại tướng. Tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, thông qua hội thảo, góp phần khơi dậy và giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ TPHCM và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong toàn lực lượng tiếp tục noi gương, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tướng Mai Chí Thọ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương “Vì An ninh tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục