Đại sứ Vũ Hắc Bồng, một con người bản lĩnh và chân tình

Mới vừa nói chuyện với chú Bồng hôm tết, nay quá bất ngờ khi thấy tin buồn trên Báo SGGP - “Ông đại sứ” đã vĩnh biệt cõi đời khi bước qua tuổi 95.

Những năm gần đây, dù đôi chân không còn nhanh nhẹn, không còn đi xe đạp nữa và ít đi đó đi đây nhưng ông vẫn tham gia những cuộc hội thảo của TPHCM... Ông rất sắc sảo trong nhận định vấn đề thời cuộc, trong việc hiểu đời, hiểu người - như một sự chắt lọc, một sự trải đời của một con người có nhiều năm trong binh nghiệp, trong công tác đối ngoại, quản lý, một con người có sức thuyết phục bởi trí tuệ và nhân tâm. 

Đồng chí Vũ Hắc Bồng (bìa phải) trong đoàn của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp tiếp Phó Thủ tướng Vương quốc Thái Lan vào tháng 11-1989.  Ảnh: Sở Ngoại vụ TPHCM
Tổng kết cuộc đời, ông có 10 năm hoạt động quân sự, 12 năm làm đại sứ, 20 năm làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM. Việc gì được giao, ông cố gắng hoàn thành. Cũng có những lần ông từ chối khi lãnh đạo gợi ý giao việc ở vị trí cao hơn. Ông quan niệm “ghế” là nhất thời. Nếu như mình không có thế mạnh ở lĩnh vực được giao hoặc đảm trách ở phạm vi rộng hơn thì sẽ khó khăn cho công việc chung. Cuộc đời ông là một cuộc hành trình cùng đất nước, với những năm tháng của cuộc kháng chiến gian lao, hay trong thời kỳ hòa bình đầy thử thách, và như luôn gắn với những sự kiện nóng trong nước và quốc tế. Có cái hay mà không phải ai cũng làm được, đó là ông luôn giữ cho mình một phong thái điềm tĩnh, đúng mực.


Năm 1945, ông tham gia hoạt động Việt Minh ở Vinh, vào bộ đội, làm công tác huấn luyện quân sự. Năm 1947 đã là Tỉnh đội trưởng tỉnh Hải Dương, chiến đấu ở vùng địch hậu, ở tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, với những trận đánh tạo nên “Tiếng sấm đường 5” làm kẻ địch khiếp sợ. Ông đi Nam năm 1949, vào đoàn quân Nam tiến. Ở chiến trường Nam bộ, ông được phân công làm Phó Ban Tác chiến kiêm Trưởng Ban Dân quân, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ.

Năm 1954, tập kết ra Bắc và đến năm 1961, ông là sĩ quan được biệt phái sang Bộ Ngoại giao, là Vụ phó Vụ miền Nam với quân hàm Trung tá. Năm 1969, ông được Bác Hồ ký quyết định cử đi làm Đại sứ. 12 năm làm đại sứ ở các nước có nhiều biến động, có những nơi còn đảo chính (như Ghi-nê, Chi-lê, Ăng-gô-la). 

Ông làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM từ năm 1982 cho đến 2002, tham gia nhiều chương trình, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, các thành phố trên thế giới. Ông tổ chức tiếp đón trọng thị các đoàn khách nước ngoài, có lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand… Trong quãng đời làm “ngoại giao nội địa”, có những việc thu hút tâm lực ông và cộng sự, như là vấn đề Campuchia, nhất là việc rút quân và việc giải quyết tốt, chủ động chương trình đoàn tụ gia đình sau chiến tranh.

Ông nằm trong số 10 cán bộ ngoại giao đầu tiên được phong Đại sứ suốt đời vào năm 2000 cùng với các đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan, Nguyễn Dy Niên… Ông được nhiều người nể phục, kính trọng. Nhiều khách nước ngoài đến thành phố có ý muốn gặp “Mr Bồng”. Ông cho biết, lúc mới vào ngành ngoại giao phải học hỏi nhiều và có nghệ thuật học hỏi ngay ở đối phương. Ông luôn nhớ những câu chuyện Bác Hồ dặn cán bộ làm ngoại giao, ra nước ngoài ăn chậm, xem người ta ăn thế nào mình làm thế. Còn về nói năng, thì biết ít hãy tiết kiệm nói.

Có lúc Thành đoàn TPHCM gặp khó về cơ sở vật chất, thiếu nơi làm trường huấn luyện cán bộ phụ trách Đội và cán bộ chỉ huy Đội. Khi biết được việc này, ông bảo cứ đi xem những nơi thuộc ngành ngoại vụ quản lý, nơi nào thấy được thì ông sẵn sàng dành cho thiếu nhi. Với sự giúp đỡ, giới thiệu của ông, trong một thời gian, ngôi nhà khang trang ở đường Phạm Ngọc Thạch được dành cho Trường Đội hoạt động.

Ông có phong cách giản dị, đặc biệt là nói ngắn. Sau khi về hưu, có thời gian ông được nhiều lời mời đi nói chuyện thời sự. Ông thường nói chuyện khoảng 45 phút, đề cập những vấn đề nóng và lý giải một cách dễ hiểu, hấp dẫn. Ông cho rằng, việc ứng xử phải biết linh hoạt, quan trọng là biết tự kiềm chế. Sống ở đời, khôn quá - chủ quan cũng chết, dại cũng chết, cái đức sẽ thắng tất. Cái tên Vũ Hắc Bồng là tên bí danh do ông tự đặt hồi kháng chiến, khiêm nhường như “quả bưởi đen”, theo cách nói của người Nghệ An, quê ông. Tên thật của ông là Đậu Đình Phức.

Ông có gia đình nhỏ hạnh phúc. Cô Phạm Thị Cúc, người vợ đẹp, hiền dịu, luôn bên cạnh ông. Cô Cúc xuất thân trong một gia đình trí thức, giàu có, là nữ sinh Gia Long, theo cách mạng, làm thư ký đánh máy cho quân báo Nam bộ. Hai người quen nhau và kết hôn tại chiến khu Dương Minh Châu. Lễ thành hôn được Bộ Tư lệnh cấp cho 2kg đường để làm kẹo, còn trà thì uống nước cây rừng, vậy mà rất vui và đáng nhớ. Ông bà có 2 con trai, 1 con gái và 5 đứa cháu.

Điều ông luôn quan tâm là phải đổi mới, phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu không thì khó khăn. Học Bác là phải tự mình nêu gương, nhất là ở cấp trên, ở người đứng đầu. Phải làm cho bộ máy tinh gọn hơn. Thế giới không ai cồng kềnh như ta. Trong một thế giới có nhiều những biến chuyển nhanh chóng, khó lường, điều cần nhớ trong ứng xử là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Giờ thì ông đã từ biệt thế giới này, để lại bao niềm thương tiếc. Luôn nhớ về ông - Đại sứ Vũ Hắc Bồng, một con người bản lĩnh và chân tình. 

Đồng chí Vũ Hắc Bồng tên thật là Đậu Đình Phức, sinh năm 1927 (Đinh Mão), tại Nghệ An. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 8 giờ 58 ngày 17-5, hưởng thọ 95 tuổi. Lúc 6 giờ sáng nay 19-5, lễ truy điệu và hỏa táng đồng chí diễn ra tại Nghĩa trang Đa Phước (TPHCM).

Tin cùng chuyên mục