Đại hội đối thoại dân tộc Syria - Hy vọng chuyển động tích cực

Theo dự kiến, hôm nay 29-1, Đại hội đối thoại dân tộc Syria khai mạc  tại thành phố Sochi (Nga) để thảo luận về Hiến pháp mới và tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc.

Thành phố Aleppo (Syria) bị chiến tranh tàn phá
Thành phố Aleppo (Syria) bị chiến tranh tàn phá

Giải pháp khôi phục hòa bình

Diễn ra trong 2 ngày, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, hay còn gọi Hội nghị Sochi, là sáng kiến của Nga nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về một hiến pháp thời hậu chiến cho Syria, được nhìn nhận là nỗ lực của Mátxcơva khi phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua tại Syria.

Trước đó, 3 nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng giảm xung đột ở miền Tây Syria.

Phía Nga từng bày tỏ tin tưởng rằng tại Hội nghị Sochi, các bên ở Syria có thể đạt được nhận thức chung về tiến trình cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử do LHQ giám sát, nếu họ cam kết tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nhận được sự ủng hộ từ phía LHQ, đại hội có sự tham gia của đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura. Việc LHQ công nhận tính hợp pháp của Đại hội đối thoại dân tộc Syria tồn tại song song với các vòng đàm phán hòa bình của tổ chức này cùng quyết định cử ông Staffan de Mistura tham gia là những bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại tại Sochi và là động lực giúp cuộc đối thoại có cơ hội đạt kết quả.

Tuy nhiên, một hành động được cho là thiếu thiện chí từ phía phe đối lập Syria đã phủ bóng đen lên hội nghị. Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) thuộc phe đối lập chính tại Syria tuyên bố tẩy chay cuộc họp này. Sự thiếu vắng một bên quan trọng trong cuộc chiến Syria sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm ra một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung  đột kéo dài 7 năm qua tại Syria, khiến sự kiện chính trị này mất đi nhiều ý nghĩa.

Ở khía cạnh khác, việc phe đối lập Syria từ chối tham gia Đại hội đối thoại Dân tộc Syria lại bị cho là một sai lầm chính trị, có thể khiến lực lượng này trở thành lực lượng phản bội lợi ích dân tộc.

Còn nhiều mâu thuẫn

Trước phiên khai mạc Đại hội đối thoại dân tộc Syria, một điểm sáng đã xuất hiện tại vòng đàm phán thứ 9 về hòa bình Syria do LHQ bảo trợ tại Vienna, Chính phủ Syria và các phái đoàn của phe đối lập đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở vùng nông thôn Đông Ghouta của thủ đô Damascus hiện do phiến quân chiếm giữ, qua đó chấm dứt 2 tháng leo thang căng thẳng giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân ở khu vực Đông Ghouta.

Đi cùng với những hy vọng về một kết quả đột phá tại Đại hội đối thoại dân tộc Syria giúp những người dân Syria tự quyết định tương lai của mình thì vẫn còn đó những lo ngại. 

Theo giới quan sát, Đại hội đối thoại dân tộc Syria được tổ chức trong bối cảnh còn quá nhiều mâu thuẫn, trong đó có vấn đề về địa vị chính trị của người Kurd ở miền Bắc Syria và việc lực lượng du kích Hezbollah tham chiến tại Syria là những vấn đề gai góc nhất.

Các bên liên quan trong cuộc chiến Syria đều có những toan tính riêng và nhất là không bên nào muốn từ bỏ “miếng bánh” lợi ích tại Syria. Nếu trước kia, các bên cùng có mục tiêu chung là đánh bật lực lượng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi đất nước, thì sau khi lực lượng này bị đánh bại, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng ủng hộ khác nhau, các phe phái tại Syria đều muốn khẳng định mình trong “bàn cờ” chính trị tại Syria.

Chính mâu thuẫn dai dẳng giữa các phe phái tại Syria - nguyên nhân khiến các vòng hòa đàm vừa qua do LHQ bảo trợ thất bại cũng sẽ là một lực cản tạo thách thức lớn đối với đại hội.

Tin cùng chuyên mục