Đại học sẽ phải hết ỷ lại vào bầu sữa ngân sách

Các cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc hoạt động và chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của anh. Nếu tạo ra sản phẩm không tốt thì xã hội sẽ không chấp nhận sản phẩm đó và anh bị phá sản.  
ĐB Hoàng Văn Cường,Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
ĐB Hoàng Văn Cường,Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Sáng 6-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Bên hành lang Quốc hội, SGGP ghi nhận một số ý kiến ĐBQH về dự án luật này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội:

              Đại học sẽ hết thời được ngân sách nhà nước cấp và nuôi dưỡng

Luật GDĐH chỉ sửa đổi một số điều nhưng tôi thấy tinh thần của Luật này đạt được giá trị rất lớn vì sẽ làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý đối với hệ thống GDĐH và các cơ sở GDĐH, tách bạch hoàn toàn quản lý hệ thống. Tức là quản lý nhà nước thì được quy định rất rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu, các cơ quan quản lý đến đâu và trách nhiệm quản trị các cơ sở GDĐH được giao cho các trường như thế nào. Tôi cho rằng đây là thành công lớn nhất giúp cho quá trình tự chủ đại học.

Nếu tự chủ tốt chắc chắn chúng ta sẽ phát triển được hệ thống đại học thực chất theo đúng năng lực, chất lượng, đánh giá của xã hội, chứ không phải phát triển hệ thống GDĐH như trước đây là dựa vào ngân sách nhà nước cấp và nuôi dưỡng nó.

Tôi nghĩ rằng, nếu kỳ họp này thông qua Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung sẽ giúp nhiều cho trường kịp thời chuyển đổi phương thức hoạt động và nâng cao năng lực của các trường. 

  ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân vận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

              “Trường đại học phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của anh”

Tôi và các ĐB quan tâm nhất là chế độ tự chủ đại học. Tự chủ không chỉ ở chỗ quyền tự chủ tài chính hay tự chủ về nhân lực, mà tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình, đó là điều quan trọng. Tôi đánh giá cao bộ ba về mặt chính sách mà luật đề cập: quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, đề kiểm định của nhà nước.

Trước đây nhà nước là người đứng ra tổ chức, thực hiện, chịu trách nhiệm đến tận đầu ra nên xã hội đánh giá nhà nước đào tạo kém, nhà nước phải chịu  trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Giờ cần phân biệt rõ, nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH, nhà nước chịu trách nhiệm về tổ chức, hệ thống máy móc, sản phẩm, con người. Nếu nhà nước thấy rằng cơ sở này không đủ khả năng, năng lực kém, không đưa vào thực hiện, không cho hoạt động hoặc có vi phạm nhà nước sẽ xử lý, không cho hoạt động nữa.

Còn các cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc hoạt động và chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của anh. Nếu tạo ra sản phẩm không tốt thì xã hội sẽ không chấp nhận sản phẩm đó và anh bị phá sản. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm liên đới về sản phẩm đó, ví dụ nếu đã có ý kiến, xã hội phản ánh cơ sở này không đủ năng lực mà vẫn đào tạo, dẫn đến sản phẩm kém thì nhà nước phải chịu liên đới. Do đó, bộ ba chính sách như tôi nêu là cực kỳ quan trọng.

Về Luật này tôi vẫn có băn khoăn. Thứ nhất là quy định về việc tổ chức, phát triển các cơ sở GDĐH của chúng ta cần được rà soát, làm kỹ. Ví dụ, một trường có thể liên kết với một trường khác bằng nhiều hình thức để tạo ra cơ sở GDĐH mạnh hơn, có thể thành lập một đại học hoặc 1 trường đại học ở quy mô lớn hơn. Sự liên kết này có thể là liên kết cứng hoặc liên kết mềm. Liên kết cứng bằng nhiều hình thức, 1 là hợp nhất, 2 là sáp nhập. Trong dự thảo đề cập quá nhiều về khái niệm sápnhập. Chúng ta cần hết sức lưu ý về khái niệm sáp nhập. Dự thảo hiện chưa thống nhất về khái niệm, có nghĩa là chưa thống nhất về tổ chức và thực thể, cần xem xét kỹ hơn. 

Đại học sẽ phải hết ỷ lại vào bầu sữa ngân sách ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với ĐBQH sáng 6-11

Thứ hai là vấn đề hội đồng trường (HĐT). Hiện nay mới nêu quyền HĐT quyết định phát triển tăng quy mô chứ chưa cho họ quyền để quyết định để giảm quy mô trường.

Thứ ba, làm thế nào để có thể đảm bảo quyền tự chủ, quyền cao nhất thuộc về HĐT hoặc hội đồng đại học. Chỗ này rất quan trọng, làm thế nào để không mất đi quyền điều hành của hiệu trưởng và cũng làm sao để hiệu trưởng không soán quyền của HĐT. Phân cấp của HĐT cho hiệu trường đến đâu, nếu không phân cấp cẩn thận sẽ triệt tiêu quyền chỉ đạo hoặc trao quyền quá lớn cho hiệu trưởng, dẫn đến tranh chấp, ra tòa.

Thứ tư là vấn đề Đại học quốc gia và các đại học vùng. Nếu chúng ta tiếp tục không cải tiến cách thức quản lý thì dẫn đến việc sinh ra một bộ máy quá cứng, tạo ra bộ chủ quản ảo của đại học quốc gia. Cái đó có thể giảm đi quyền lực của chính bản thân các trường thành viên. Mỗi trường thành viên đều có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm rất cao về hoạt động đào tạo của họ.           

ĐB Hồ Thanh Bình ( An Giang):

            Các trường đại học sẽ hết ỷ lại vào “bao cấp” của nhà nước

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH lần này là nhà nước không “bao cấp” kinh phí hoạt động cho các trường, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu tư theo đặt hàng, đầu tư theo nhu cầu xã hội. Cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường đại học để có được nguồn đầu tư của nhà nước. Đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào “bao cấp” của nhà nước”. Trên thế giới có nhiều nước đang thực hiện theo phương thức này. Nhà nước cấp kinh phí, các trường phải cạnh tranh thông qua đấu thầu để có được nguồn tài chính đó. Theo đó, các trường sẽ phải chủ động xây dựng nguồn lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các trường khác.

   *ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương):

                    Các trường đại học phải tự chủ về tài chính

Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở GDĐH. Chúng ta phải mở rộng thể chế quản lý hành chính và quản lý về mặt kinh tế, để các trường tự quyết định chiến lược phát triển của mình, từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên; quan điểm là lấy sinh viên là trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường.

Một trong những nội dung quan trọng của tự chủ đại học đó là, các trường phải tự chủ về tài chính. Đây là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện từ cơ sở. Đã đến lúc không nên tồn tại cơ chế “bao cấp” như hiện nay. Tất nhiên, tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước sẽ không còn đầu tư kinh phí nữa, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu thầu “đặt hàng”. Tức là để có được nguồn kinh phí của nhà nước thì các trường phải cạnh tranh thực sự.

Cơ chế tự chủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các trường đại học. Đồng thời tạo ra điểm mới có tính đột phá trong tư duy, sáng tạo và hành động của ban lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo nhà trường có chiến lược tốt sẽ giúp nhà trường phát triển và sẽ thu hút đông đảo sinh viên giỏi vào trường. Và sau khi ra trường, các em có việc làm ngay, được thị trường tiếp nhập và không phải đào tạo lại.

Tin cùng chuyên mục