Đại học Quốc gia TPHCM: Tiên phong góp sức cho cộng đồng

Không chỉ là đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong suốt quá trình phát triển, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đã có rất nhiều đóng góp cho các địa phương trong phát triển về đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như phát triển kinh tế - xã hội. 

Hiệu quả từ thực tế 

Mới đây, Viện Công nghệ Nano (INT) ĐH Quốc gia TPHCM đã trao tặng 5 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Hệ thống này có thể đo độ mặn từ 0-15‰.

Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động được ví như “người gác cổng ruộng vườn”, được tích hợp đầu dò cảm biến chuyên dụng để theo dõi và cảnh báo độ mặn của nước trên kênh rạch hoặc cửa biển nhằm chủ động trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy hải sản và sinh hoạt. Hệ thống làm việc 24/24, cập nhật thông tin liên tục và đặc biệt là có khả năng kết nối không dây đến các thiết bị ngoại vi như điện thoại di động, máy tính để cảnh báo độ mặn khi vượt ngưỡng.

Ngoài quan trắc độ mặn, đầu dò cũng đo được nhiệt độ của nước, gửi thông tin và tin nhắn qua điện thoại di động; thu thập, lưu trữ thông tin hiển thị trên web server. Hệ thống cũng kích hoạt tự động máy bơm thông qua kết nối không dây khi độ mặn nhỏ hơn mức ngưỡng. Toàn bộ hệ thống được vận hành từ nguồn năng lượng mặt trời có sẵn trên hệ thống. Khi có cảnh báo mặn tự động, ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương có thể đóng cống và người dân có thể sử dụng nước ngọt dự trữ, giảm thiệt hại tới nông nghiệp và đời sống.

PGS-TS Đặng Mậu Chiến, Viện trưởng INT, cho biết, sản phẩm này như một người gác cổng cho cuộc sống người dân. Người dân giờ không cần lo lắng khi nào mặn đến nữa mà chỉ cần ngồi nhà, lướt internet xem kết quả dễ dàng. Theo đó, khi người dùng muốn biết độ mặn có thể truy cập trực tiếp lên website của đơn vị hoặc gửi tin nhắn theo cú pháp có sẵn, hệ thống sẽ trả lời qua tin nhắn các thông số về độ mặn, nhiệt độ của nước, vị trí đo.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, cho biết, trước đây khi mùa mặn tới, chi cục phải cử người lấy mẫu nước thủ công mỗi giờ một lần, vừa tốn công sức vừa tốn thời gian phân tích mà kết quả thì không đảm bảo 100% chính xác. Hệ thống quan trắc này sẽ thay thế cách quan trắc truyền thống và giúp giảm nhân công đáng kể, kết quả có ngay lập tức.

Đánh giá lợi ích của sản phẩm này, ông Nguyễn Văn Bùi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, nhận định: Bến Tre là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Những thiệt hại đó có nguyên nhân từ việc dự báo chậm. Với hệ thống quan trắc mặn bằng công nghệ mới sẽ giúp 182.000ha đất nông nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn. PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED, cho biết: “ICED sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy vận hành nền kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc đề ra”.

Đại học Quốc gia TPHCM: Tiên phong góp sức cho cộng đồng ảnh 1 ĐH Quốc gia TPHCM thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam

Trước đó, ĐH Quốc gia TPHCM cũng quyết định đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (VNUHCM-IBT) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, phức tạp của công nghệ tài chính (Fintech). Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần thiết ở Việt Nam hiện nay về khung pháp lý cho các ứng dụng của Fintech. 

Luôn đề cao nhiệm vụ đóng góp cho cộng đồng

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Xuyên suốt quá trình phát triển, ở giai đoạn nào ĐH Quốc gia TPHCM cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng ĐH Quốc gia TPHCM thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng hàng đầu của cả nước và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời tham gia đóng góp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đóng góp cho cộng đồng là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi của ĐH cùng với đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đảng bộ ĐH Quốc gia TPHCM cũng đặc biệt nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, ĐH Quốc gia TPHCM mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước như ký kết chính thức với 10 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bạc Liêu và đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tiềm năng với một số địa phương mới như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp...

Trên cơ sở đó, ĐH Quốc gia TPHCM đã cụ thể hóa bằng việc phối hợp cùng các địa phương triển khai 56 chương trình đào tạo, tập huấn giúp chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực và nguồn lao động của các địa phương thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH, bồi dưỡng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy, khởi nghiệp, kỹ năng mềm...

ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp với các địa phương thực hiện 105 các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm, các đề tài, đề án phát triển du lịch. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ đã hỗ trợ địa phương trong việc giải quyết một số vấn đề nóng hiện nay như: biến đổi khí hậu, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, hỗ trợ các phương tiện trữ nước sạch… 

Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ do ĐH Quốc gia TPHCM làm đồng chủ trì với mục tiêu nghiên cứu các giải pháp KHCN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, triển khai các giải pháp KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ.

Các nhiệm vụ KHCN đã gắn với sản xuất và đời sống, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở (bờ sông, bờ biển) và phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. 63 nhiệm vụ đã và đang thực hiện (có 22 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững; 41 nhiệm vụ thuộc mảng khoa học tự nhiên, KHCN và môi trường) với nhiều nội dung và kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, như: nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp KHCN và xây dựng các mô hình liên kết nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, xoài, bưởi, cam sành, tôm, cá tra, nghêu, ngao móng tay chúa…); nghiên cứu và thí điểm ứng dụng các giải pháp KHCN phòng chống xỏi lở - bồi tụ cửa sông, ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau, An Giang...

Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM đã tích cực tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm thực hiện Chiến lược phát triển KHCN của Chính phủ đến năm 2020 như Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển, Chương trình phát triển Vật lý. Triển khai nhiều hoạt động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tháng 7, ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED). Đây là viện đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này. Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ICED ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chú trọng về giải pháp khoa học công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - chính phủ - đại học. Thông qua ICED, ĐH Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam. ICED sẽ là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương; trung tâm kết nối doanh nghiệp - nhà nước - đại học, liên kết lợi ích - nhu cầu giữa các bên có liên quan để hướng về mục tiêu phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục