Đại học Quốc gia TPHCM: Nhiều kịch bản cho năm học mới

Để chuẩn bị kế hoạch đào tạo năm học mới cho tân sinh viên và sinh viên các khóa, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đã có nhiều phương án nhằm đảm bảo việc đào tạo và an toàn trong phòng chống dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM đang bước vào giai đoạn bình thường mới, ĐH Quốc gia TPHCM và các trường thành viên đang chuẩn bị phương án để sinh viên được ở ký túc xá, học tập trung đồng thời đảm bảo tiến độ tốt nghiệp cho sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm

Tạo động lực cho giảng viên 

Ngày 1-10, Ban giám đốc ĐH Quốc gia TPHHCM có văn bản đề nghị các đơn vị thành viên và trực thuộc xây dựng kế hoạch hoạt động trong tình hình mới, từng bước đưa công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động đi vào ổn định, đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục tổ chức giảng dạy trực tuyến đến khi có chủ trương mới và thông báo của ĐH Quốc gia TPHCM. 

Tiếp đó, Công đoàn ĐH Quốc gia TPHCM triển khai chương trình “Gia sư trực tuyến”. Từ ngày 3-10, học sinh là con của cán bộ viên chức, người lao động của ĐH Quốc gia TPHCM có thể đăng ký để được giảng viên, giáo viên, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM giảng dạy trực tuyến các môn học từ lớp 1 - 12 qua chương trình “Gia sư trực tuyến”. Đây là một trong 5 hoạt động thuộc chương trình “Cùng con học trực tuyến” của Công đoàn ĐH Quốc gia TPHCM.

Th.S Lâm Tường Thoại, Chủ tịch Công đoàn ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, chương trình đã sẵn sàng triển khai thực hiện. Đã có nhiều thầy cô, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM ở các trường như Trường THPT Năng khiếu, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ thông tin… tình nguyện tham gia chương trình. Các thầy cô sẽ là những “gia sư trực tuyến”, dạy kèm miễn phí tất cả môn học từ lớp 1 - 12 cho con của cán bộ viên chức, người lao động có nhu cầu. Từ ngày 3 đến 30-10, học sinh vào link https://forms.gle/6cz2PBV3uiWpr7kv9 để đăng ký lớp học, môn học theo nhu cầu. Các lớp học sẽ được tổ chức từ 4-10-2021 đến ngày 31-1-2022 theo thời khóa biểu.

Đầu tháng 9-2021, ĐH Quốc gia TPHCM phát động khen thưởng “Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc năm 2021” nhằm ghi nhận những giải pháp, sáng kiến hay của giảng viên, giáo viên trong giảng dạy trực tuyến, từ đó nhân rộng những ý tưởng và cách làm độc đáo hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến tại ĐH Quốc gia TPHCM. Theo đó, đơn vị sẽ khen thưởng cho giảng viên, giáo viên công tác tại các đơn vị thành viên, trực thuộc; giảng viên, giáo viên thỉnh giảng trực tuyến ít nhất một môn trong học kỳ 1 năm học 2021-2022 qua 5 tiêu chí: thiết kế khóa học (chiếm 15%); phương pháp giảng dạy và đánh giá (25%); kết quả học tập của sinh viên (20%); khả năng ứng dụng công nghệ (20%); hỗ trợ dành cho sinh viên (20%). Giải thưởng gồm giấy khen của Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, biểu tượng “Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc 2021” và tiền thưởng 25 triệu đồng/người.

Đảm bảo chất lượng đào tạo


Từ đầu năm học, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM triển khai công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến, nghiên cứu khoa học đáp ứng phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; lên phương án chuẩn bị tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá (KTX) cũng như cho việc học tập trung trở lại.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, theo kế hoạch, trường tiếp tục dạy trực tuyến cho sinh viên và tân sinh viên. Với sinh viên làm luận văn, đồ án tốt nghiệp, thực hành, thực tập trường sẽ có phương án tốt nhất tạo điều kiện cho các em. Trước khi vào phòng thí nghiệm để thực hành, thực tập sinh viên sẽ được kiểm tra kỹ về tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Việc học tập trung tùy thuộc tình hình dịch Covid-19. Mặt khác, KTX của trường trước khi tiếp nhận sinh viên phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch vì phần lớn là sinh viên ở các địa phương. 

Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM đã giao trung tâm chuẩn bị văn bản gửi UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương để tiếp nhận lại KTX, tiếp nhận sinh viên. Hiện KTX đã tiếp nhận online 26.000 sinh viên và dành 10.000 chỗ cho tân sinh viên. Tuy nhiên, cả 2 khu A, B của KTX hiện vẫn đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến và nơi cách ly tập trung. Nơi đây còn khoảng 5.000 F0 và khoảng 500 F1 đang cách ly, điều trị Covid-19. “Chúng tôi đang lên phương án báo cáo Ban giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM để làm việc với TPHCM và tỉnh Bình Dương về thời gian, kế hoạch vận hành trở lại. Song song đó, làm việc với 30 trường ĐH về thời gian tiếp nhận sinh viên, tân sinh viên khi học tập trung. Khi nào đủ điều kiện thì mới mở cửa KTX đón sinh viên trở lại”, ông Tăng Hữu Thủy nhấn mạnh. 

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, nhiều trường và đơn vị thành viên có hoạt động rất đa dạng để tương tác với sinh viên nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên ở các trường thành viên đã và đang đẩy mạnh tổ chức, giới thiệu hoạt động Đoàn - Hội, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, câu lạc bộ, hoạt động định hướng, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, rèn luyện để hỗ trợ, kết nối sinh viên trong từng trường... Đáng chú ý là hiện nay, nguồn học bổng hỗ trợ sinh viên rất dồi dào và tạo điều kiện tối đa để sinh viên dễ dàng tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục