Đại học Quốc gia TPHCM: Chuẩn hóa chương trình đào tạo

Lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM có nhiều đổi mới mang tính tiên phong theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính điều này đã giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời giúp công tác xếp hạng đại học và đảm bảo chất lượng với nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò nòng cốt của ĐH Quốc gia TPHCM đối với hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Phòng nghiên cứu công nghệ Nano hiện đại của ĐH Quốc gia TPHCM
Phòng nghiên cứu công nghệ Nano hiện đại của ĐH Quốc gia TPHCM

Tiên phong triển khai đề án CDIO và đề án giáo dục 4.0

Việc cải tiến chương trình đào tạo (CTĐT) được thực hiện chủ yếu thông qua việc triển khai đề án CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) từ 2010-2017. Đến năm 2017, ĐH Quốc gia TPHCM có tổng cộng 5 trường, 29 khoa, 62 ngành đào tạo trình độ đại học triển khai CDIO, trong đó có 30 ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật và 32 ngành đào tạo phi kỹ thuật.

Trên 3.700 lượt cán bộ, giảng viên của ĐH Quốc gia TPHCM đã được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng thiết kế và phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra thông qua trên 60 khóa tập huấn; trên 30.000 sinh viên (chiếm 60% quy mô sinh viên toàn ĐH Quốc gia TPHCM) được thụ hưởng CTĐT. Từ năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục phát triển đề án ở giai đoạn mới và thí điểm triển khai mô hình CDIO cho các ngành sau đại học (SĐH). Hiện tại, có 11 CTĐT SĐH ở 5 trường thành viên đang triển khai CIDO.

Tiếp nối thành công của đề án CDIO, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai đề án mô hình giáo dục 4.0 trên nền tảng áp dụng CDIO hiện đại giai đoạn 2018-2022 nhằm chuẩn bị nhân lực trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) theo tinh thần của Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Đề án đổi mới nội dung và CTĐT theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; thực hiện đổi mới dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng đào tạo. 

Kết quả của 3 năm triển khai (2018-2020) tại 5 trường đại học thành viên có 19 CTĐT trình độ đại học được xây dựng và cập nhật theo mô hình giáo dục 4.0, 175 môn học triển khai theo mô hình này; cơ sở vật chất được nâng cấp, đầu tư mới, trang bị các phòng video; phát triển hệ thống hỗ trợ giảng dạy LMS, hệ thống tài liệu học tập số và cải tiến dần phương pháp, hình thức dạy học theo hướng cá nhân hóa, tích cực hóa người học dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy…

Cùng với đó, ĐH Quốc gia TPHCM còn tiên phong thí điểm đào tạo liên thông, tích hợp trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM. Để thực hiện điều này, ĐH Quốc gia TPHCM đã ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ đại học lên trình độ thạc sĩ trong hệ thống; quy định đào tạo song ngành trình độ đại học hệ chính quy trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM. Việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài ĐH Quốc gia TPHCM được quy định trong Quy chế đào tạo trình độ đại học. 

Đối với CTĐT song bằng có 8 chương trình đang thực hiện, gồm 5 chương trình lĩnh vực Khoa học xã hội và 3 chương trình lĩnh vực Kinh tế, Luật. Việc công nhận môn học, tín chỉ tương đương đã được triển khai đối với các môn Lý luận chính trị, Ngoại ngữ và bắt đầu thực hiện cho các CTĐT song bằng theo hướng công nhận ít nhất 30% tín chỉ tương đương.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM đã là thành viên chính thức của tổ chức AUN-ACTS để thực hiện việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học trong hiệp hội, các trường đại học trong khối ASEAN (AUN), có công văn hướng dẫn công nhận điểm và tín chỉ trình độ đại học thông qua hệ thống trao đổi tín chỉ ACTS tại ĐH Quốc gia TPHCM. Đến thời điểm hiện nay, ĐH Quốc gia TPHCM đã có tổng số 436 môn học đăng ký tham gia ACTS. 

Đẩy mạnh đào tạo sau đại học, nghiên cứu đỉnh cao

PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: Việc chuẩn hóa CTĐT theo chuẩn quốc tế là yếu tố mang tính nền tảng hướng đến mục tiêu đào tạo đầu ra là những lao động với kiến thức, kỹ năng đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Việc phát triển các chương trình chất lượng cao, trình độ quốc tế cũng là để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đặt ra trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước”. 

Để tiếp tục mục tiêu chuẩn hóa CTĐT, ĐH Quốc gia TPHCM đã phê duyệt và triển khai đề án Chương trình tài năng giai đoạn 2018-2022 cho các chương trình được phép đào tạo tài năng giai đoạn trước, các ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA, ABET..., và ưu tiên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu. Số lượng chương trình tài năng của 5 trường thành viên và khoa Y tăng dần. Dự kiến đến năm 2022 cả ĐH Quốc gia TPHCM sẽ có 45 chương trình với quy mô 1.350 sinh viên, trong đó 25 chương trình được hỗ trợ kinh phí. 

Để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo sau đại học (SĐH) theo hướng tiên tiến, ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai thêm 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 3 ngành đào tạo tiến sĩ, nâng số lượng ngành SĐH lên 89 ngành tiến sĩ, 130 ngành thạc sĩ ở các lĩnh vực quan trọng và thiết yếu. Số lượng ngành đào tạo đại học tăng từ 107 ngành lên 165 ngành ở 20 lĩnh vực.

Song song đó, đơn vị cũng sắp xếp lại các chuyên ngành đào tạo, theo hướng đào tạo ngành mũi nhọn, mở thí điểm ngành học mới có tính đa ngành và xuyên ngành như: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Quản lý công, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật Y sinh, Đô thị học, Tâm lý học lâm sàng; đã và đang triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ chất lượng cao ở 4 ngành: Kỹ thuật dầu khí, Kỹ thuật viễn thông, Kỹ thuật khoa học máy tính và Quản lý xây dựng; 16 ngành liên kết đào tạo SĐH với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, với quy mô 441 học viên SĐH.

Đặc biệt, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xuất sắc; phát huy sức mạnh hệ thống, phát triển nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, liên ngành phục vụ nền CMCN 4.0; nâng cao vai trò KHCN trong phục vụ cộng đồng; đóng vai trò quan trọng trong công tác tư vấn chính sách, phản biện xã hội cho khu vực và đất nước; đưa khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo vào CTĐT, nâng cấp các trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố quan trọng tại khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đỉnh cao, chú trọng các lĩnh vực tiên tiến, liên ngành phục vụ nền công nghiệp 4.0.

Phấn đấu hình thành trên 10 nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và trung tâm xuất sắc tương đương khu vực châu Á và thế giới. ĐH Quốc gia TPHCM đặt chỉ tiêu: 15.000 bài báo quốc tế trong cơ sở dữ liệu scopus/web of science giai đoạn 2021-2025, nâng chất nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ áp dụng giải quyết những vấn đề của xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp; phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2020-2025 tăng gấp 3 lần giai đoạn 2016-2020, đạt 5 phát minh sáng chế, 10 giải pháp hữu ích. Phấn đấu trên 10 dự án nghiên cứu liên ngành hợp tác doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ.

"Giai đoạn 2020-2025, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tập trung các giải pháp đổi mới và phát triển CTĐT nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường lao động quốc tế mang bản sắc riêng của ĐH Quốc gia TPHCM dựa trên nền tảng sức mạnh hệ thống trong kỷ nguyên số, tiếp cận trình độ các trường đại học nghiên cứu ở khu vực châu Á. Trong đó, xác lập mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; chuẩn hóa công tác xây dựng, cải tiến CTĐT theo tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra theo hướng đa ngành, liên ngành, xây dựng môi trường học tập và hỗ trợ học tập trong kỷ nguyên số; tăng cường liên thông đào tạo trong hệ thống"

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN

Tin cùng chuyên mục