Đại học được tự chủ tối đa

Ngày 11-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố ban hành Luật Giáo dục Đại học. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT

Trao đổi về dự án luật này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) được sửa đổi có 4 nhóm chính sách mới.

Chính sách lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề được sửa đổi bổ sung là mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cùng với đó là đổi mới quản trị ĐH, kiện toàn hội đồng trường (HĐT). Trong đó HĐT phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như các chủ trương đầu tư lớn. Là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu (các ĐH công lập), tiếp nhận quyền tự chủ từ nhà nước để triển khai tự chủ ở các cơ sở GD ĐH.

Đồng thời, trên cơ sở đó, các trường cũng phải ban hành các quy định, quy chế nội bộ của mình để thực hiện công khai minh bạch trong toàn trường cũng như để xã hội giám sát.

Luật lần này cũng chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sát nhập thành những ĐH lớn, hoặc 1 số trường trong cùng 1 nhóm ngành, địa phương kết với nhau thành những ĐH lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Đặc biệt, hệ thống đại học tư thục và các ĐH tư thục được phát triển bình đẳng gần như là toàn bộ với các trường công lập. Đặc biệt là các hoạt động về chuyên môn.

* Phóng viên: Lộ trình tự chủ ĐH từ trước đến nay chậm so với kỳ vọng. Vậy tự chủ ĐH sẽ mở và được đẩy nhanh ra sao với việc Luật GDĐH có hiệu lực chính thức từ 1-7-2019?

* Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Với chính sách bao trùm là tự chủ, thì cơ chế tự chủ tới đây sẽ mở rộng cho toàn hệ thống (trước đây là 5 ĐH và sau đó là thí điểm ở 23 trường). Nhìn chung, chúng tôi thấy các trường rất trông đợi Luật lần này. Các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: học thuật, tài chính, nhân sự làm sao cho hiệu quả nhất để phục vụ cho chính sách chất lượng phát triển của nhà trường để cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.

Với các điều khoản mới trong Luật GDĐH lần này, sẽ giảm đáng kể thời gian về thủ tục hành chính. Đơn cử, trước đây là phải báo cáo, đăng ký, đợi sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được mở ngành đào tạo, tuyển dụng bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Nay trường sẽ được quyết ngay sau khi mình có đủ điều kiện. Đó là những cơ chế thúc đẩy cho hệ thống phát triển.

* Luật GDĐH mới sẽ cho phép các trường ĐH được mở ngành ở tất cả các trình độ trên cơ sở các điều kiện. Vậy chúng ta sẽ kiểm soát việc này như thế nào?

Nói là các trường được tự chủ mở ngành, có nghĩa là các trường được tự quyết định việc mở ngành mà không phải xin phép hay đăng ký cơ quan quản lý về chuyên môn như trước đây. Còn các điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở ngành thì Luật vẫn phải giữ. Thậm chí còn phải quy định chặt chẽ hơn. Những tiêu chuẩn mở ngành như căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo) cho ngành đó như thế nào. Rồi căn cứ vào sự chấp nhận của xã hội cho ngành đó đối với sản phẩm của nhà trường. Tức là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đó trong những năm trước ra sao thì mới có thể được mở ngành mới…

 Như vậy tiêu chuẩn, chất lượng mở ngành đào tạo vẫn giữ nguyên. Nếu trường đủ điều kiện mở ngành về chương trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì sẽ được mở ngành. Nhưng điều kiện để trường tự quyết định cũng được nâng cao hơn.

Trước đây, cũng cơ quan thẩm quyền kiểm duyệt, nay cơ quan thẩm quyền không cấp phép nữa, nhưng các trường phải chứng minh nội lực của mình. Ví dụ, trường phải được kiểm định rồi thì mới được mở các ngành của trình độ ĐH. Ngành đào tạo của trình độ ĐH phải được kiểm định rồi thì mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng. Ngành đào tạo thạc sĩ được kiểm định rồi mới được mở ngành tiến sĩ phù hợp. Đó là những cơ chế để kiểm định chất lượng.

Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do HĐT quyết định. Mà HĐT trường theo quy định mới, không chỉ những người trong trường mà còn cả những người ngoài trường với tỷ tệ tối thiểu là 30% là các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, các cơ quan của tổ chức khác. Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học đó hay không. Điều đó có nghĩa là, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo đó không.

*Có nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo tại chức thì không thể bằng chính quy, đây cũng là lý do khiến văn bằng tại chức không được coi trọng. Gần đây có một số bài báo trích dẫn ý kiến một vài đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định không phân biệt văn bằng tại chức và chính quy sẽ dẫn tới đào tạo tràn lan hệ tại chức và không đảm bảo chất lượng GDĐH?

*Thực ra từ trước tới nay văn bằng chỉ nhằm quy định trình độ đào tạo cao hay thấp, rồi lĩnh vực hay ngành học đó để xác định chuyên môn đào tạo của người đó như thế nào. Hình thức đào tạo không ghi trên văn bằng, dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau; cùng phải thực hiện cùng 1 khung trình độ quốc gia..

Như vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy – tại chức. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì ta có thể thấy hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học thì vẫn có trường tốt và không tốt, có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn. Như vậy, vấn đề chất lượng ĐH chính quy hay tại chức ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực của từng người học để lấy kiến thức thực thụ hay học để lấy tấm bằng, chứ không phụ thuộc quá lớn vào hình thức văn bằng, hình thức đào tạo.

*Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1-7-2019 tới đây. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị  thế nào để luật sớm đi vào cuộc sống?

Thực tế ngay khi dự thảo sửa Luật, chúng tôi cũng đã chuẩn bị danh mục các văn bản hướng dẫn luật. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hai Nghị định hướng dẫn trực tiếp, đó là Nghị định hướng dẫn hướng dẫn chung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ ĐH. Hiện nay cả 2 nghị định đều có dự thảo.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng rà soát lại tất cả các quy chế đào tạo như đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, trình độ thạc sĩ, văn bằng 2... Các quy chế đào tạo đều phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với những quy định mới nhất của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật GDĐH với tinh thần trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Các trường ĐH đều đã nắm được nội dung, tinh thần của những điều chỉnh lần này. Có thể nói họ đã sẵn sàng cho triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

"Luật lần này cũng đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An.

Tin cùng chuyên mục