Đại dịch Covid-19 đang định hình rõ hơn xu hướng đầu tư ESG

Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây. Và đại dịch Covid-19 thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

Theo Morningstar, năm ngoái, các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với một năm trước đó. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp.

Riêng các quỹ ESG chiếm khoảng 1/4 lượng tiền chảy vào tất cả các quỹ tương hỗ, trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ, đây là bước nhảy vọt lớn so với chỉ 1% vào năm 2014.

Cũng trong năm 2020, tại Mỹ ghi nhận gần 400 quỹ đầu tư ESG, tăng 30%, đồng thời đã gấp 4 lần trong một thập kỷ.

Đại dịch Covid-19 đang định hình rõ hơn xu hướng đầu tư ESG ảnh 1 Số lượng quỹ đầu tư ESG tại Mỹ tăng gấp 4 lần trong 1 thập kỷ
Tại Việt Nam, đầu tư ESG tuy không phải mới nhưng chưa thực sự phổ biến. Bởi các doanh nghiệp phần lớn vẫn đang chú trọng đến việc tăng trưởng mà chưa có sự tập trung đầu tư đúng mức về nguồn lực để tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Với kỳ vọng tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index – VNSI) được Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) chính thức giới thiệu vào tháng 7-2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Đồng thời, chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG.

Cũng theo kết quả công bố của HoSE, năm 2020, Vinamilk là công ty hiện đạt tổng điểm ESG 90%, cao hơn 58% so với điểm trung bình ngành, đồng thời cao gấp rưỡi các doanh nghiệp thuộc VN100. Việc thực hành ESG tại Vinamilk cũng được các quỹ đầu tư Dragon Capital và Mobius Partners ghi nhận.

Đại dịch Covid-19 đang định hình rõ hơn xu hướng đầu tư ESG ảnh 2 Các hoạt động thực hành ESG luôn được Vinamilk chú trọng trong chiến lược sản xuất kinh doanh

Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã phát hành báo cáo phát triển bền vững (PTBV) tách riêng với báo cáo thường niên. Báo cáo PTBV của Vinamilk được lập theo Chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo (GRI standards) cùng một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing).

Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính tốt, Vinamilk cũng dành nhiều nguồn lực cho hoạt động về phát triển cộng đồng, sử dụng năng lượng mặt trời giảm thiểu phát thải CO2, vận dụng hệ thống biogas cũng như kinh tế tuần hoàn (3REs: Reduce,Recycle, Reuse) nhằm hạn chế lượng rác thải.

Đến năm 2020, tổng năng lượng xanh tiêu thụ chiếm tới 89,17% toàn bộ năng lượng sử dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.

Nghiên cứu đã chỉ ra các công ty quan tâm đến ESG thường tạo ra kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp.

ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E); Xã hội (S); Quản trị công ty (G).

- Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật…

- Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên

- Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…

Tin cùng chuyên mục