Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Cần tránh phong trào... khắp nơi xin cơ chế đặc thù

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thống nhất việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với  TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy chính sách đặc thù và có sự giám sát đừng để lan rộng trở thành “phong trào... khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù”.

Sáng 22-10, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về 4 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Chính sách đặc thù chỉ nên áp dụng ở địa bàn có đặc thù

Phát biểu trong buổi thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM thống nhất việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với 4 địa phương trên.

ĐB cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy chính sách đặc thù và có sự giám sát đừng để lan rộng trở thành “phong trào... khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Cần tránh phong trào... khắp nơi xin cơ chế đặc thù ảnh 1 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để tránh trở thành “phong trào” xin đặc thù, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phải xác định rõ, chính sách đặc thù chỉ nên áp dụng ở các địa bàn có đặc thù.

ĐB đề nghị, cần mau chóng có tổng kết ở những nơi đã áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để rút ra những gì hợp lý – về tổ chức bộ máy hành chính, một số vấn đề về đất đai, tài nguyên, dân cư – thì có thể phổ biến thành luật chung, áp dụng cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Như vậy, các địa phương không có cơ chế đặc thù cũng được thụ hưởng chính sách và sẽ có lợi chung cho đất nước. Riêng một số cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể đối với Hà Nội, TPHCM thì không thể áp dụng đồng loạt cho tất cả các tỉnh, thành.

Cần giám sát nợ tại các tỉnh chưa tự chủ tài chính 

 Cùng tham gia thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, ủng hộ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với 4 địa phương TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Cần tránh phong trào... khắp nơi xin cơ chế đặc thù ảnh 2 Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lý giải vì sao có cơ chế, chính sách đặc thù, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích, Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng là các đô thị lớn nên đã có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Đối với TPHCM, từ khi có Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã có tác dụng quan trọng về nhiều lĩnh vực: quản lý đất đai, thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, về thu chi ngân sách...

Giờ đây, Chính phủ trình Quốc hội 4 cơ chế đặc thù cho 4 địa phương. Trong 4 địa phương, chỉ có TP Hải Phòng là tự chủ tài chính và có tỷ lệ điều tiết về Trung ương. Riêng 3 địa phương còn lại, đều chưa tự chủ được nguồn thu ngân sách và ngân sách Trung ương đang phải chuyển hỗ trợ.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hoá được Trung ương hỗ trợ trên 15.000 tỷ đồng/năm, tỉnh Nghệ An nhận hỗ trợ trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2021, Thừa Thiên-Huế được hỗ trợ khoảng 3.200 tỷ đồng/năm.

“Nói như vậy để thấy, các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế chưa tự chủ được tài chính nhưng lại là các địa phương có nhiều tiềm năng. Vì thế, nếu có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương này vươn lên, tự chủ được tài chính trong thời gian tới thì ngân sách Trung ương sẽ có được nguồn thu để chủ động thực hiện các chính sách vĩ mô”, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá và ủng hộ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với cả 4 địa phương.

Các cơ chế, chính sách đặc thù của 4 địa phương nổi lên các nội dung: về quản lý đất đai và quy hoạch, quản lý tài chính, ngân sách, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, sau khi đã có Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương thì phải có sự giám sát thường xuyên nhằm phát huy cơ chế, chính sách. Đặc biệt, phải quan tâm đến quản lý nợ ở các địa phương.

“Qua giám sát tài chính cho thấy, đối với địa phương tự chủ tài chính thì đỡ lo hơn, bởi chẳng những có nguồn thu cho địa phương dùng mà còn nộp về cho ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, các địa phương chưa tự chủ được tài chính mà giao quyền cho phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nếu không được kiểm soát thì sẽ rất căng, vì nợ của chính quyền địa phương sẽ làm tăng nợ công”. ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích và đề nghị phải giám sát chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục