Đại biểu Quốc hội đề nghị xóa quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cần giải quyết quyền lợi của người dân có liên quan, tạo ra cơ hội cho Ninh Thuận trở thành một “vương quốc” về năng lượng tái tạo. “Không nên luyến tiếc về quy hoạch này, tôi đề nghị xóa quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận", ĐB đề nghị.

Chiều 30-5, tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát đối với công tác quy hoạch, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu, với chủ trương dừng quy hoạch dự án điện hạt nhân, đến nay đã gần 14 năm nhưng các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương. 

Nêu rõ những thiệt hại đối với người dân, trải qua thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến sản xuất, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, nếu kéo dài quy hoạch thì sẽ gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, do đó ĐB kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, giải quyết những vấn đề cụ thể, sớm giải quyết các quyết định của Bộ Công thương về phê duyệt địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để có cơ sở phê duyệt, triển khai đề án, có định hướng cho tỉnh Ninh Thuận kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cần giải quyết quyền lợi của người dân có liên quan, tạo ra cơ hội cho Ninh Thuận trở thành một “vương quốc” về năng lượng tái tạo.

“Không nên luyến tiếc về quy hoạch này, tôi đề nghị xóa quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu 10-20 năm tới chúng ta đặt vấn đề làm điện hạt nhân thì tính sau, vì hiện tại chúng ta chưa đủ năng lực để kiểm soát rủi ro từ điện hạt nhân. Trước mắt, đề nghị bỏ quy hoạch này và giải quyết rốt ráo quyền lợi của người dân có liên quan”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Phản hồi về ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về địa điểm quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận, nghị quyết là tạm dừng, không phải hủy bỏ. Theo Bộ trưởng, đến nay đã xác định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất để xây dựng điện hạt nhân. Thế giới hiện nay cũng đã quay lại để phát triển hạt nhân. Để phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà xu hướng tất yếu đến lúc nào đó phải tính đến điện hạt nhân, vì thủy điện, nhiệt điện đã hết dư địa phát triển. Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hiện nay đã tính toán quay lại điện hạt nhân, để làm điện nền phát triển năng lượng tái tạo.

“Quyết định là do cấp có thẩm quyền quyết, còn Bộ Công thương với tư cách cơ quan chuyên môn thì đến nay vẫn thấy Ninh Thuận là điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân, khi chúng ta đủ điều kiện làm”, Bộ trưởng trả lời.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xóa quy hoạch điện hạt nhân ở Ninh Thuận ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội trường chiều 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát. Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

"Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", Ủy ban Kinh tế nhận xét.

Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém. Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác.

Tin cùng chuyên mục